Điện Biên TV – Với tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu, Điện Biên là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Đến nay, Điện Biên đã trở thành vùng trọng điểm trồng mắc ca lớn khu vực Tây Bắc với hơn 10.700ha. Việc mở rộng diện tích, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tìm kiếm thị trường ổn định cho cây mắc ca đã được tỉnh Điện Biên thực hiện như thế nào?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây Mắc ca của 11 doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô sau khi điều chỉnh là trên 61.000 ha. Đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được trên 10.700 ha, trong đó trồng mới năm 2024 là trên 3.400 ha.
Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Điện Biên trở thành thủ phủ mắc ca vùng Tây Bắc, tỉnh đã ban hành đề án về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp – nhà đầu tư trồng mắc ca theo các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để được hỗ trợ nguồn giống cây mắc ca đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Đồng thời phát triển trồng cây mắc ca theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, Điện Biên đã trở thành vùng trọng điểm trồng mắc ca lớn khu vực Tây Bắc với hơn 10.700ha. |
Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm chính trị cao nhất để đồng hành cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn theo chủ trương đầu tư được chấp thuận; chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện các dự án để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án”.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên tiếp tục định hướng chung về cơ chế, chính sách thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo 2 hình thức: Nhà nước cho Nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo quy định của pháp luật về đất đai và Nhà đầu tư hợp tác, liên kết với người dân vùng dự án thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết. Lồng ghép, huy động tối đa nguồn vốn từ các chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai để hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân thực hiện liên kết trồng nắc ca trong vùng dự án. Trong đó sẽ ưu tiên, khuyến khích phát triển các dự án liên kết trồng Mắc ca thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác./.
Hoàng Út – Văn Hùng/DIENBIENTV.VN