Hội thảo điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam” – Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ngày 3/7, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF 2) đã diễn ra hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận nhiều chủ đề như: Điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam, góc nhìn từ hai phía; điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam – những cuộc trở về ký ức; sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa: kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam; những ảnh hưởng của điện ảnh “Làn sóng mới” Pháp; phong cách phim Varan (dòng phim được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp) và những ảnh hưởng từ điện ảnh tài liệu Pháp đến điện ảnh tài liệu Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho rằng, đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Pháp. Điện ảnh Pháp những năm 80 đối với Việt Nam là một những nền điện ảnh hết sức quen thuộc, rất nhiều phim điện ảnh của Pháp đã chiếu ở Việt Nam, rất nhiều phim chiếm được cảm tình của khán giả Việt Nam.
Những năm gần đây, Trung tâm văn hóa Pháp làm việc rất hiệu quả, hàng năm Trung tâm đã tổ chức rất nhiều liên hoan, tuần phim của Pháp từ nam ra bắc, “Tôi đánh giá cao nỗ lực của đại sứ quán Pháp và Trung tâm Văn hóa Pháp đã mang lại chuyển biến mới, giới thiệu thêm về phim Pháp tại Việt Nam. Qua đây tiếp tục hướng để làm sao điện ảnh Pháp có sự cân bằng với điện ảnh các nước khác tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL mong muốn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt nhận định: Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Pháp là mối quan hệ có nhiều duyên nợ. Vào những năm 1990, cùng một lúc có 3 bộ phim lớn Pháp đến quay tại Việt Nam đó là Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người Tình, sau đó một loạt phim của đạo diễn Pháp gốc Việt lừng danh Trần Anh Hùng về Việt nam được thế giới biết đến.
“Tuy nhiên từ những đầu những năm 2000 đến nay, chưa có bộ phim Pháp lớn, quan trọng nào quay tại Việt Nam. Do đó cần tổ chức những hội thảo để cùng trao đổi, tăng thêm mối liên hệ, sự hợp tác giữa hai nước”, bà Ngô Phương Lan thông tin.
Các đại biểu tham gia hội thảo – Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo ông Trần Hinh, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua một số phim truyện điện ảnh về đề tài Việt Nam, người Pháp đã có cái nhìn thiện cảm hơn với đất nước Việt Nam. Ngược lại khán giả Việt Nam cũng có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn với người Pháp. Lịch sử về mối quan hệ Pháp Việt kể từ đây đã được mở sang một trang mới tốt đẹp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường đánh giá, Pháp là nền điện ảnh lớn và có bề dày lịch sử không chỉ của châu Âu mà còn của thế giới. Đó là nền điện ảnh có sức sáng tạo, đột phá dồi dào, mãnh liệt, với vai trò sâu đậm, mạnh mẽ của khuynh hướng “điện ảnh tác giả”, “điện ảnh nghệ thuật”. Dấu ấn của phong cách đạo diễn, của sự đề cao hình thức biểu hiện, của phong cách làm phim varan (tài liệu trực tiếp) mang lại cho các bộ phim Pháp qua nhiều thời kỳ nét phong cách riêng, lan tỏa cảm hứng nghệ thuật đến các nền điện ảnh trên toàn thế giới – trong đó có Việt Nam.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/216389/dien-anh-phap-va-moi-quan-he-voi-dien-anh-viet-nam