Dù chỉ xảy ra cục bộ, nhưng thời gian qua, nhiều điểm đến tại Việt Nam đã bị gọi tên trong danh sách quá tải khách du lịch, tiêu biểu như: Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)…
Tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải, tiếng ồn… là thực tế mà người dân địa phương và du khách ở những trung tâm du lịch lớn thường xuyên phải đối mặt, nhất là trong mùa cao điểm du lịch. Sự tập trung quá đông lượng khách tại cùng một thời điểm không chỉ tạo tác động tiêu cực tới cơ sở hạ tầng, môi trường, văn hóa, hệ sinh thái của điểm đến, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành điểm đến, mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, trải nghiệm của du khách, từ đó làm suy giảm hình ảnh, uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.
“””Dù chỉ xảy ra cục bộ, nhưng thời gian qua, nhiều điểm đến tại Việt Nam đã bị gọi tên trong danh sách quá tải khách du lịch, tiêu biểu như: Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do tính mùa vụ du lịch của điểm đến, sự hạn chế về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, bên cạnh đó là việc thiếu chủ động trong quy hoạch sức chứa tại điểm đến, không có phương án điều tiết khách hợp lý, sản phẩm du lịch bổ trợ chưa đa dạng.
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng quá tải khách ở những nơi có sự phát triển “nóng” về du lịch, ngành du lịch phải tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm du lịch của du khách, trong đó phát triển điểm đến vệ tinh có thể xem là “chìa khóa” giúp ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch.
Điểm đến vệ tinh có thể hiểu là những điểm đến (đô thị, nông thôn) có khoảng cách nhất định với trung tâm tập trung đông khách du lịch, có điều kiện thuận lợi để kết nối với trung tâm và có khả năng phát triển du lịch nhằm chia sẻ lượng khách, giảm áp lực cho các trung tâm, giúp khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên du lịch, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa cho chính điểm đến đó.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho hay, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta mới chỉ tập trung phát triển du lịch ở vùng lõi, vùng trung tâm mà chưa quan tâm nhiều tới các điểm đến vệ tinh, trong khi những nơi này còn nhiều dư địa để phát triển du lịch. Chẳng hạn, với Hà Nội, cùng với cụm du lịch trung tâm ở vùng lõi Thủ đô thì cụm du lịch Hà Đông và phụ cận, cụm du lịch núi phía bắc (Sóc Sơn), cụm du lịch Đông Anh và phụ cận, cụm du lịch phía tây, cụm du lịch phía nam cũng rất giàu tiềm năng để phát triển mạng lưới điểm đến vệ tinh. Hay với Khánh Hòa, bên cạnh vùng du lịch trung tâm thành phố Nha Trang và phụ cận, thì các vùng du lịch phía bắc, phía tây và phía nam Khánh Hòa cũng có nhiều tài nguyên du lịch để khai thác và liên kết…
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trên thực tế, việc phát triển điểm đến vệ tinh bền vững tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bởi nhận thức cộng đồng còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu kết nối đồng bộ, sự liên kết phối hợp giữa các địa phương còn yếu, đó là chưa kể đến những thách thức trong huy động vốn đầu tư, trong quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…
Do đó, muốn tạo mạng lưới điểm đến vệ tinh, cần tạo cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi cho các địa phương có tiềm năng trở thành điểm đến vệ tinh; tăng cường liên kết, phối hợp giữa trung tâm du lịch với các điểm đến vệ tinh và giữa các điểm đến vệ tinh với nhau; khuyến khích sự hỗ trợ của các trung tâm lớn đối với các điểm đến vệ tinh trong phát triển du lịch; đẩy mạnh hiệu quả thực thi của cơ chế công-tư trong đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng tại điểm đến vệ tinh.
Đặc biệt, cần có chính sách xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch tại các điểm đến vệ tinh; chú trọng đến hạ tầng quản lý chất thải, cung cấp năng lượng, nước và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng; xác định thị trường khách trước khi ra quyết định phê duyệt các dự án đầu tư, không phát triển đại trà; xây dựng bộ tiêu chí cho điểm đến vệ tinh và hướng dẫn các địa phương xây dựng điểm đến du lịch vệ tinh bền vững.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, phát triển điểm đến vệ tinh là bước đi cần thiết để hướng tới du lịch bền vững. Đây cũng là giải pháp để mở rộng không gian du lịch, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến mới, nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch. Tuy nhiên, phát triển điểm đến vệ tinh bắt buộc phải đi kèm công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, muốn phát triển điểm đến vệ tinh, trước hết phải xác định giá trị cốt lõi của điểm đến, đó là nguồn tài nguyên du lịch mà người dân địa phương tự hào, khả năng kết nối giao thông, hình thành tuyến điểm tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch.
Phát triển điểm đến vệ tinh là bước đi cần thiết để hướng tới du lịch bền vững. Đây cũng là giải pháp để mở rộng không gian du lịch, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến mới, nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch. Tuy nhiên, phát triển điểm đến vệ tinh bắt buộc phải đi kèm công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh
Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác các thị trường ngách để phát triển thị trường tại các điểm đến vệ tinh, tạo dấu ấn khác biệt. “Để quản lý sức chứa về tâm lý và vật lý khi quá tải khách, các địa phương, điểm đến cần lên kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và biện pháp giải quyết. Cần xây dựng kế hoạch quản lý môi trường du lịch, các hình thức quản lý sức chứa thông qua giá vé, điều phối luồng khách; quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch thông qua thảo luận, xin ý kiến người dân để nhận được sự đồng thuận, hợp tác” – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lữ hành Saigontourist bày tỏ: Phát triển du lịch ở điểm đến vệ tinh phải theo hướng bền vững, không thể chỉ tính toán theo cách duy ý chí là san sẻ lượng khách từ các đô thị trung tâm sang vùng ven.
Muốn vậy, cần phải có chiến lược sao cho người dân ở điểm đến vệ tinh được hưởng lợi thường xuyên từ phát triển du lịch, từ đó mới có thể chung sức, đồng hành lâu dài cùng địa phương, doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là khi phát triển điểm đến vệ tinh, tình trạng quá tải khách mùa cao điểm sẽ được giải quyết, nhưng vào mùa thấp điểm, làm thế nào để vẫn bảo đảm lượng khách nhất định giúp duy trì hoạt động du lịch ở điểm đến vệ tinh?
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, giải quyết điều này cần phải có chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp, sao cho khách đã tới với điểm đến trung tâm sẽ có nhu cầu đến với điểm đến vệ tinh. Muốn vậy, các chuyên gia du lịch cho rằng, các điểm đến vệ tinh cần xây dựng cả sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ dựa trên khai thác nguồn lực tự nhiên và văn hóa mang tính bản địa, hạn chế tối đa sự trùng lặp với sản phẩm của điểm đến trung tâm nhằm tạo ra lợi thế trong liên kết thu hút khách.