Điện Biên TV – Được tưới mát bởi dòng Nậm Rốm chở nặng phù sa, từ mảnh đất chịu nhiều đau thương của bom đạn chiến tranh, ngày nay, cánh đồng Mường Thanh đã trở thành vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc với tổng diện tích 140km2, nằm trải dài hơn 20km với năng suất bình quân đạt trên 64 tạ/ha. Bằng sự cần cù, bền bỉ của người nông dân, cùng định hướng đúng đắn của các ngành, địa phương trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, chất lượng gạo Điện Biên ngày càng được nâng lên, giúp người nông dân có thu nhập ngày càng cao từ cây lúa.
Bà Lò Thị Đoàn, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên nấu cho gia đình bữa cơm gạo mới. |
Sau khi thu hoạch, bà Lò Thị Đoàn, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã nấu cho gia đình bữa cơm gạo mới. Từng hạt gạo trắng ngần mang trong mình hương của đất, của nước, tinh túy của nắng, của gió nơi mảnh đất đã nuôi dưỡng cho thân lúa trổ đòng. Bao vất vả, nhọc nhằn nắng mưa dường như tan biến khi cả gia đình bà Đoàn cùng quây quần bên nhau, bưng bát cơm gạo mới hương thơm đậm đà. Bà Lò Thị Đoàn chia sẻ: “Khi thu hoạch lúa về, tôi đã nấu cơm bằng gạo mới. Cơm đẹp, dẻo, ngon. Gạo mới này tôi đem đi bán thì nhiều khách mua cũng rất thích, muốn mua thêm nữa.”
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.200 ha lúa, với cơ cấu giống chủ yếu là: Séng cù, hana, tám thơm, nếp địa phương… Để nâng cao chất lượng gạo, ngay từ đầu vụ mùa, hoạt động cơ giới hóa trong sản xuất và quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã được các địa phương tích cực triển khai. Trong đó, tập trung quản lý dịch hại dựa trên 4 nguyên tắc chính, đó là sử dụng bộ giống khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo vệ thiên địch và nông dân trở thành chuyên gia. Nhờ đó, năng suất vụ mùa 2024 ước đạt trên 64 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ mùa năm 2023, sản lượng ước đạt gần 23.000 tấn.
Bà Lò Hải Dinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đơn vị đã tham mưu cho các đơn vị liên quan xây dựng quy trình xử lý rơm rạ trên đồng ruộng để làm phân bón hữu cơ, sử dụng máy cấy để hạn chế thuốc trừ cỏ. Việc xử lý sâu bệnh sẽ sử dụng các chế phẩm sinh học, trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ hướng tới sử dụng các loại thuốc sinh học.”
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao sẽ đạt khoảng 8.000ha. |
Từ thực tế có thể khẳng định, sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng xa gần với phẩm cấp và chất lượng gạo không đâu có được. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên, nâng cao chất lượng gạo thành phẩm, nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn cao của người tiêu dùng.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: “Chúng tôi tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã thực hiện các dự án liên kết sản xuất, hỗ trợ máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng hạt gạo và đóng gói bao bì để từng bước hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm vào các cửa hàng, siêu thị.”
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao sẽ đạt khoảng 8.000ha. Trong đó, tăng cường chế biến theo chiều sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, nhằm tập trung phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhật Oanh – Đức Long/DIENBIENTV.VN