Năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Điện Biên hơn 4.070 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết đạt 99,8%. Tỷ lệ giải ngân đến 30/5 đạt 17,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; một số nguồn vốn chưa giải ngân được, như: vốn ODA, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Lũy kế giải ngân vốn kéo dài năm 2023 sang 2024 đạt 17,2%. Toàn tỉnh có 11/40 đơn vị chủ đầu tư đến nay chưa thực hiện giải ngân.
Nguyên nhân được xác định do sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát; thiếu quyết tâm, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các vướng mắc phát sinh còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, sâu sát, hiệu quả. Công tác lập kế hoạch của các đơn vị chủ đầu tư còn yếu; năng lực một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến việc chậm hoàn thiện hồ sơ, chất lượng hồ sơ dự án, chất lượng đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương phân công, phân cấp cho cấp huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung đề ra những giải pháp hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công những tháng cuối năm 2024; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch vốn giao. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tìm ra nguyên nhân hạn chế của từng địa phương, đơn vị, để có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, xem xét lại công tác cán bộ, nhất là về năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để kiểm điểm, xử lý kịp thời các trường hợp yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; kiện toàn đội ngũ cán bộ, sắp xếp công việc phù hợp, tạo ra bộ máy tinh gọn nhưng phải tinh thông, trách nhiệm cao.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra những giải pháp chi tiết, cụ thể, sát thực, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo quy định. Chọn công việc trọng điểm thực hiện từ nay đến cuối năm, nhất là đối với các nguồn vốn chưa giải ngân được như vốn ODA, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian còn lại của năm 2024 rất lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các ban quản lý dự án thuộc tỉnh, các chủ đầu tư phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra. Khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị mình. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình. Tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư xây dựng lộ trình, từng phần việc được phân công; cam kết tiến độ thực hiện giải ngân. Các sở, ngành rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đối với Sở Kế hoạch – Đầu tư tập trung theo dõi, đánh giá tình hình giải ngân vốn để tham mưu cho UBND tỉnh điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt; tham mưu thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ căn cứ nội dung cam kết của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 làm cơ sở xem xét tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương trong năm 2024.
Đối với các địa phương, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.