Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phân tích, lý do đổi tên Toà án Nhân dân cấp tỉnh, Toà án Nhân dân cấp huyện thành Toà án Nhân dân phúc thẩm và Toà án Nhân dân sơ thẩm nêu trong Tờ trình dự thảo Luật là chưa thuyết phục. Đổi tên nhưng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của toà án không thay đổi. Chưa phân cấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Toà án Nhân dân sơ thẩm mà Toà án Nhân dân phúc thẩm vẫn sẽ xét xử sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật, vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.
“Tòa án Nhân dân phúc thẩm, Tòa án Nhân dân sơ thẩm vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cũng không thể chế được ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2019 đó là: Các tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn” – Đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc thay đổi này sẽ gây lãng phí ngân sách dành cho việc đổi tên (thay con dấu, biển tên cơ quan). Người dân đang quen với tên gọi hiện hành của Toà án Nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh, tên gọi này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhân dân.
Việc thành lập các Toà án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, theo đại biểu Tráng A Tủa dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về phạm vi thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của loại hình toà án này.
Tờ trình của Toà án Nhân dân tối cao có nêu, việc bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “xây dựng tòa án chuyên nghiệp”. Đại biểu Tráng A Tủa cho rằng, trong cơ cấu tổ chức của Toà án Nhân dân các cấp hiện nay đã có Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Hành chính… Đây đã thể hiện tính chuyên nghiệp rồi. Do đó, chỉ nên bổ sung Toà chuyên biệt vào cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân cấp huyện chứ không cần thiết phải thành lập một toà án riêng, đứng độc lập với Toà án Nhân dân cấp huyện để tránh phình to bộ máy, cũng như chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Về bảo vệ Thẩm phán, bên cạnh quy định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chấm dứt hành vi xúc phạm và buộc xin lỗi công khai, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị bổ sung quy định Thẩm phán hoặc Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe.
Ngoài ra, ĐBQH tỉnh đề nghị không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia vì Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đã đánh giá, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia được thành lập theo luật hiện hành đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, do đó không cần thiết phải thay đổi.