Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Đây là dự án luật quan trọng, đang được cử tri, nhân dân, người lao động cả nước hết sức quan tâm do liên quan đến việc bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi của người dân. Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, 11 nội dung lớn được cụ thể hoá trong dự thảo luật hết sức nhân văn và chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tương đối đầy đủ.
Theo đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH tỉnh Điện Biên, việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, để không ai phải ở lại phía sau, đúng như mục tiêu xây dựng xã hội công bằng dân chủ, văn minh, thể hiện tính ưu việt của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển.
Đại biểu cũng đồng tình bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, vì đây là cơ sở mở rộng diện bao phủ BHXH để mọi công dân có thu nhập đều tham gia đóng BHXH, kết hợp hài hòa cả hai mục tiêu đó là: mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Liên quan đến nội dung giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, đồng chí Phó Trưởng Ban công tác đại biểu cho rằng, quy định này nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hợp lý, nội dung này đã được quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Việc giảm thời gian đóng BHXH trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hơn nữa quy định này cũng nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần do không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Về quy định hưởng BHXH một lần, đây là nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích: Người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình; Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội.
Dự thảo luật đã quy định theo hướng tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng Bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng…
Liên quan đến các nội dung chính sách trên, đại biểu Lò Thị Luyến băn khoăn, theo quy định của dự thảo luật, ngân sách nhà nước sẽ chi trả trợ cấp hưu trí xã hội cho người từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng; chi trả bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp hàng tháng (người không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội); hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trợ cấp thai sản là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động, cung cấp thông tin đầy đủ cho ĐBQH về nội dung này, nhất là khả năng cân đối ngân sách để thực hiện chính sách.
Về quản lý quỹ BHXH, dự thảo luật quy định mở rộng danh mục và phương thức đầu tư quỹ BHXH. Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, quỹ BHXH cần phải đảm bảo an toàn, trường hợp đầu tư kinh doanh thua lỗ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội của người đóng BHXH. Trong báo cáo tác động cũng như tờ trình của Chính phủ chưa nói rõ hiệu quả đầu tư của quỹ BHXH trong thời gian vừa qua như thế nào? Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành việc kiểm toán độc lập đối với quỹ đầu tư sử dụng từ quỹ BHXH chưa được thực hiện. Như vậy, thời gian vừa qua việc sử dụng quỹ BHXH đi đầu tư chưa được đánh giá đầy đủ, cụ thể và ĐBQH rất thiếu thông tin về nội dung này.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, để đảm bảo an toàn quỹ, cần đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý quỹ BHXH theo hướng bền vững và đảm bảo quyền lợi người tham gia. Ngoài việc tuyên truyền, thực hiện chính sách tốt để thu hút, tăng số người đóng BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường đấu tranh với các hiện tượng chậm đóng, trốn đóng, không khai báo BHXH bằng ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông cơ sở dữ liệu thu nhập, việc làm, kê khai thuế, xây dựng sổ BHXH điện tử, góp phần tăng cường công khai, minh bạch để hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, bảo đảm an toàn quỹ. Các quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng phải hướng tới các nội dung này với những chế tài mạnh mẽ hơn, chặt chẽ, nghiêm khắc hơn.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cũng phát biểu ý kiến tham gia về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật như: đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền được cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia BHXH; độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ…