Điện Biên TV – Chiều 20/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với việc hành Luật. Đồng thời, đồng tình cao với việc quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch phù hợp, thống nhất với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Đại biểu cũng nhất trí việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về chế tài đối với cơ quan, tổ chức khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. |
Theo đại biểu, Khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật đã đề cập đến nội dung: Định kỳ hoặc khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch đô thị và nông thôn phải được xem xét rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn.
Một trong những điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn đó là: Quy hoạch đô thị và nông thôn không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh… Thực tế hiện nay, tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch quá thời hạn nhưng không được triển khai thực hiện gây khó khăn cho người dân trong việc ổn định cuộc sống.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật nội dung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng quy hoạch treo hiện nay.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính, các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính trong dự thảo Luật; cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý, tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến sai phạm, thất thoát và lãng phí nhưng đồng thời phải giúp tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.
Đại biểu dẫn chiếu, theo Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật thì khoáng sản được phân thành 4 nhóm từ nhóm I đến nhóm IV. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không giúp tháo gỡ khó khăn hiện hành về khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Hiện tại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc nhóm III vẫn được sử dụng cho mục đích san lấp, như vậy vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép khai thác theo khoáng sản nhóm III.
Hơn nữa, để được thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV (nhóm vật liệu san lấp) theo quy định thì cần phải chứng minh được các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất sét… chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp nhưng dự thảo Luật chưa quy định khoáng sản như thế nào là chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, do đó rất khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện sau này.
CTV Mai Hồng/DIENBIENTV.VN