Điện Biên TV – Sáng 23/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước.
Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra.
Du lịch phục hồi so với trước đại dịch
Năm 2024 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của du lịch so với năm trước đại dịch. 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Du lịch nội địa phát triển, đặc biệt tăng cao ấn tượng dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua.
ĐBQH tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. |
“Kết quả này có được là nhờ thực việc thực hiện các chính sách thị thực, các chương trình kích cầu du lịch, các sự kiện lớn được quan tâm, tổ chức cùng nhiều yếu tố khác, trong đó có hiệu ứng tích cực từ hạ tầng giao thông với rất nhiều tuyến đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong thời gian qua”, ĐBQH Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận.
Đại biểu cho biết, tỉnh Điện Biên với việc hoàn thành nâng cấp Sân bay Điện Biên và tổ chức thành công nhiều lễ hội, chuỗi các sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 và đại lễ cấp quốc gia Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo bước nhảy vọt cho du lịch Điện Biên với lượng du khách và doanh thu du lịch tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tính từ tháng 1/2024 đến 7/5/2024, Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch.
Là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch với biên giới giáp Lào và Trung Quốc, với quần thể di tích lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em,… tỉnh Điện Biên đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế đó.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, lại ở địa bàn xa xôi, cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, nhất là hạ tầng về giao thông đường bộ, cho nên ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, sớm giải quyết những đề xuất, kiến nghị mà địa phương đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong đó có kiến nghị về đầu tư cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang; đầu tư đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận chủ trương mở cửa khẩu song phương A Pa Chải – Long Phú, đồng thời xem xét bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu này vì lối mở A Pa Chải – Long Phú đã được Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nâng cấp thành cửa khẩu. Hiện nay, chính quyền thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam đã khởi công xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long Phú – A Pa Chải (vào ngày 22/12/2023), đang xây dựng đường cao tốc từ thành phố Phổ Nhĩ – huyện Giang Thành (giáp cửa khẩu A Pa Chải, dự kiến hoàn thành năm 2024) và có ý kiến đề xuất với tỉnh Điện Biên sớm mở cửa khẩu song phương theo quy hoạch.
Thị trường biến động bất thường
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng có những việc cần được quan tâm như một số biến động bất thường của thị trường thời gian qua. Ví dụ, thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp không ổn định, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
“Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình, phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Nhà ở xã hội nơi thừa, nơi thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng. Hiện nay, thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang như ở quận Long Biên, Cầu Giấy… đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì thiếu chỗ ở. Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân đang rất mong mỏi, chờ đợi.
Hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, nhiều kỳ họp của Quốc hội đã nêu tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Đại biểu cho rằng, giữa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
ĐBQH Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. |
“Khi hệ thống pháp luật còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất thì hiển nhiên cán bộ công chức phải giữ lấy sự an toàn cho mình trước tiên, không dám quyết, không dám làm, không dám tham mưu khi nhận thức rõ hậu quả rủi ro về mặt pháp lý”, đại biểu Lò Thị Luyến nêu quan điểm.
Gần đây, Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho một số dự án trọng điểm quốc gia và một số địa phương. Đại biểu đặt câu hỏi, phải chăng hệ thống pháp luật như là “áo chật quá, mặc không nổi” cho nên phải xin cơ chế chính sách đặc thù, quá trình tổ chức thực hiện có những vướng mắc phải xin điều chỉnh, bổ sung? Nếu được hỏi nguyện vọng, chắc chắn các đơn vị, các địa phương đều muốn có được cơ chế chính sách đặc thù cho đơn vị, địa phương mình.
Tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong đó có nội dung về rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chính phủ cũng đã quan tâm triển khai rà soát và ban hành nhiều văn bản để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, những bất cập của hệ thống pháp luật chưa được giải quyết triệt để. Ví dụ, về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với thủy điện có công suất từ 2MW đến dưới 20MW, hiện nay, không có cơ quan nào được giao thẩm quyền. Địa phương đã đề xuất kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được tiếp thu, chưa được quan tâm giải quyết. Luật Tài nguyên nước năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, thay thế Nghị định 02/2023/NĐ-CP, đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng giao UBND cấp tỉnh cấp phép đối với các công trình thủy điện có công suất dưới 20MW để đồng nhất với quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
“Hệ thống pháp luật cần được rà soát thường xuyên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi có sự chồng chéo, mâu thuẫn thì cần phải được sửa đổi bổ sung kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai, thực hiện và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức có cơ sở pháp lý rõ ràng trong thực thi nhiệm vụ công vụ, như vậy mới kỳ vọng khắc phục được tình trạng né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay”, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.
CTV Mai Hồng/DIENBIENTV.VN