Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH thuộc Tổ thảo luận số 8 bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật hiện hành.
Một vấn đề được đa số các vị ĐBQH, trong đó có đại biểu Tráng A Tủa, ĐBQH tỉnh Điện Biên quan tâm đó là việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.
Theo đại biểu Tráng A Tủa, báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án. Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Thực tế hiện nay đối tượng là thanh, thiếu niên thành lập các băng nhóm tự hoán cải các loại dao này, hàn thêm tuýp sắt dài từ một đến hai mét để giải quyết mâu thuẫn, đe dọa người dân. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không xử lý được đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ là cần thiết.
Đại biểu phân tích thêm, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để không ảnh hưởng đến việc sử dụng của người dân, dự thảo Luật đã quy định rõ “Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Tráng A Tủa nhất trí việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đại biểu, việc bổ sung 03 chức danh trên vào đối tượng cảnh vệ nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Đại biểu cũng nhất trí với quy định thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự. Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội như dự thảo Luật là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.