Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
“Hoa huệ” – Lê Phổ
Hơn 200 tác phẩm tại phiên đấu giá này gần như có thể khái quát một giai đoạn dài của mỹ thuật Việt Nam với các tác phẩm đặc sắc của các thế hệ họa sĩ từ thời Đông Dương, Kháng chiến, đương đại cũng như các sáng tác của các họa sĩ Pháp cùng thời Đông Dương như Victor Tardieu, Alix Aymé, André Maire, Jules Galand, Maurice Menardeau…
Sự xuất hiện của 3 bộ tứ quan trọng với những đóng góp mang tính bản lề của hội họa Việt Nam tại phiên đấu giá có thể kể đến: “Phổ – Thứ – Lựu – Đàm” (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm); “Trí – Lân – Vân – Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Ngoài ra, các tác phẩm của các cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương khác như Nguyễn Văn Tỵ, Tôn Thất Đào, Đỗ Đình Hiệp, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Thọ, Trần Duy, Jean Võ Lăng… cũng góp mặt trong phiên đấu giá.
“Bé gái tập khâu” – Mai Trung Thứ
Các họa sĩ khóa Kháng chiến, khóa học do họa sĩ Tô Ngọc Vân thành lập và trực tiếp giảng dạy là lứa họa sĩ trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến, giai đoạn khó khăn của đất nước. Trong 22 họa sĩ của khóa này, 4 người trong số họ với những cá tính nghệ thuật mạnh mẽ và nổi bật đã tạo nên một bộ tứ “Nhân – Hòa – Hậu – Kiệm” (Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm). Trong khuôn khổ phiên đấu giá, các tác phẩm của bộ tứ này cũng làm phong phú thêm cho danh mục.
“Mẹ và con” – Vũ Cao Đàm
Đặc biệt, sự xuất hiện của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, các họa sĩ Lê Bá Đảng, Lê Văn Xương, Nguyễn Huyến, Tú Duyên, Nguyễn Quang Mậu, Trần Hà, Đinh Minh, Phan Đăng Trí và các họa sĩ đương đại nổi lên trong và sau thời kỳ đổi mới như Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải, Bùi Hữu Hùng…
Le Aution House tổ chức triển lãm trưng bày toàn bộ tác phẩm tham gia đấu giá trong 2 ngày 8-3 và 9-3, trước khi phiên đấu diễn ra, để các nhà sưu tập trực tiếp đến xem các tác phẩm. Các tác phẩm cũng được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà đấu giá cũng cam kết về nguồn gốc, chất lượng, bảo đảm quyền lợi của nhà sưu tập, nhà bảo trợ trước khi đấu giá.
Phiên đấu diễn ra sôi nổi, hấp dẫn giữa các nhà sưu tập trực tiếp tại sàn đấu trực tiếp và trực tuyến với các mức giá tiệm cận với các sàn đấu giá quốc tế. Một tác phẩm hội họa có giá trị cao trên sàn đấu giá không chỉ thể hiện giá trị nghệ thuật và tên tuổi của tác giả mà còn ở các yếu tố đi kèm như lịch sử, nguồn gốc của tác phẩm cũng như lịch sử lưu trữ, gia thế của các nhà sưu tập cũng là những yếu tố làm nên giá trị của bức tranh.
Người yêu tranh đến xem triển lãm.
Những năm gần đây, tranh của các danh họa Việt được bán với giá cao trên các sàn đấu giá uy tín, tầm cỡ quốc tế là những tín hiệu vui cho nền mỹ thuật nước nhà. Đấu giá tranh là một trong những sự kiện góp phần phát triển thị trường hội họa đương đại. Đại diện Le Aution House cho biết, nhà đấu giá này định hướng phát triển theo hướng tiệm cận với thế giới và mong muốn trở thành một nhà đấu giá đủ tầm, có uy tín, có tiềm năng phát triển trong tương lai và là đối tác của các nhà đấu giá uy tín trên thế giới như The Sotheby’s, Christie’s, Phillips.
“Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX” là phiên đấu giá đầu tiên của nhà Le Auction House tổ chức trong năm 2024, nhà đấu giá sẽ có nhiều hoạt động đấu giá và triển lãm tranh trong thời gian tới.
Một số tác phẩm được trưng bày và đấu giá tại Aqua Centre
“Au café” – Victor Tardieu
“Múa cổ” – Nguyễn Tư Nghiêm
“Phố” – Bùi Xuân Phái
“Chân dung thiếu nữ” – Dương Bích Liên
“Thiếu nữ” – Trần Đông Lương
“Hoa phong lan” – Thái Hà (Nguyễn Như Huân)
“Linh Mai” – Nguyễn Trung
“Chân dung thiếu nữ” – Đặng Xuân Hòa
“Trừu tượng” – Bùi Hữu Hùng