Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 2 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai, bước đầu luật đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành: Kịp thời ban hành 10 Nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư của Bộ tài nguyên và Môi trường, Bộ tài chính. Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Đối với việc triển khai thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định và 1 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Bộ Xây dựng cũng ban hành 2 thông tư và 2 quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật này; có 12 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết…
Tại tỉnh Điện Biên, tổng số nội dung phải ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành đối với Luật Đất đai là 36 nội dung (trong đó 2 nội dung thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh và 34 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh), UBND tỉnh phê duyệt ban hành 3 nội dung; đã xây dựng trình UBND tỉnh xem xét thông qua, chờ phê duyệt 15 nội dung; đang soạn thảo lấy ý kiến thẩm định là 18 nội dung.
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng đã xây dựng 6 nội dung dự thảo Quyết định và lấy ý kiến các đơn vị, dự kiến trình UBND tỉnh xem xét thông qua trong tháng 10/2024; 5 nội dung đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong quý I/2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Mức độ ảnh hưởng của các luật ra sao đến phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn; việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường bất động sản; việc thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở… các địa phương cần đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng tháo gỡ, giải quyết. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn địa phương tháo gỡ, giải quyết. Đối với địa phương cần tăng tốc hơn nữa để hoàn thành việc ban hành các văn bản thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đáp ứng yêu cầu cấp bách, cần thiết của cuộc sống.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218693/danh-gia-viec-trien-khai-thi-hanh-3-luat-dat-dai-nha-o-va-kinh-doanh-bat-dong-san