Điện Biên TV – Sáng 24/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như: Chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân,… quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật… Theo đại biểu, việc bổ sung những nguyên tắc, chính sách này là hết sức cần thiết, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người.
Đại biểu phân tích, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí phiên dịch. Tuy nhiên, tại các Điều 38, 39, 40, 41, 44 dự thảo Luật quy định cụ thể các chế độ hỗ trợ nêu trên chỉ quy định đối tượng được hưởng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho đầy đủ.
Dẫn chứng quy định về chế độ trợ giúp pháp lý, tại khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý. Nhưng khoản 1 Điều 41 Dự thảo Luật chỉ quy định nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng chỉ quy định hỗ trợ đối với trẻ em (là người dưới 16 tuổi) và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự.
“Như vậy, chúng ta đang bỏ sót đối tượng được trợ giúp pháp lý là người đi cùng nạn nhân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 65, bổ sung người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cho đầy đủ”, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. |
Về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Dự thảo Luật bổ sung quy định nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này. Đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết vì trong thực tế, nạn nhân bị mua bán có thể bị đánh đập, bị tra tấn, bị đe doạ tước đoạt tính mạng nếu không thực hiện các hành vi mà đối tượng mua bán người yêu cầu.
Dự thảo Luật quy định tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không có quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật do bị ép buộc thực thiện. Do đó, nếu quy định như dự thảo Luật, cơ quan có thẩm quyền sẽ không đủ căn cứ để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc thực hiện có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và trường hợp không xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.
CTV Mai Hồng/DIENBIENTV.VN