Các đại biểu chất vấn về: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh nêu câu hỏi: “Báo cáo của Bộ có nêu yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, có dự án lớn nào của khu vực tư nhân xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới đang được nghiên cứu hay chuẩn bị cấp phép tại Việt Nam hay không?”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, lĩnh vực du lịch cũng giống như các lĩnh vực khác mà Đảng và Nhà nước mong muốn kêu gọi đầu tư. Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, kinh tế – xã hội của nước ta đã phục hồi và phát triển trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư về du lịch tại những địa phương có dư địa tốt như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Việc đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực du lịch cũng tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư. Khi có các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để việc triển khai, thực hiện được thuận lợi nhất.