|
Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
|
Ở Việt Nam, tham nhũng, tiêu cực có nguyên nhân từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm cho việc thực hiện đường lối của Đảng không còn nghiêm túc, các lợi ích chung đã “chạy” vào túi riêng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân. Những chi phí “bôi trơn” không chính thức trở thành gánh nặng với nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự liêm chính của hệ thống chính trị.
Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải rất ngắn gọn và súc tích: Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao và: “Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?
Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư đã chọn đúng vấn đề “nóng” nhất, gây bức xúc nhất trong xã hội hiện nay để phát động cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mười năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo tiến hành quyết liệt, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt.
Nhiều vụ án lớn được phanh phui, nhiều kẻ tham nhũng bị trừng trị nghiêm minh, tài sản của nhân dân được thu hồi. Những điều đó khẳng định Tổng Bí thư đã “bắt đúng bệnh” và quyết tâm “trị bệnh” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, các đảng viên và đông đảo nhân dân nắm vững, quán triệt và thêm tự tin triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này. Tác dụng đã thấy rõ là cuộc đấu tranh kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, làm Đảng vững mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong thời gian tới, chúng ta còn phải tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, ngoài quyết tâm, Đảng còn cần những biện pháp có hiệu quả mạnh mẽ hơn. Sức mạnh và động lực lớn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực với đầy đủ các ngành, các khâu: nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã rõ: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong cuốn sách. Chúng ta “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” và “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt khi thực hiện là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng, chủ động, tích cực – trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.