Hơn 1 năm trước, khoảng tháng 7/2022, trong rất nhiều hồ sơ gửi về Phòng Tư pháp, có hồ sơ đề nghị ban hành quyết định cưỡng chế đối với gia đình ông bà N.T.T và V.T.D thuộc tổ 1, phường Mường Thanh (nằm trong Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4) của Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường). Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Phòng Tư pháp nhận thấy hồ sơ đã đảm bảo đủ các điều kiện để ban hành quyết định. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, tránh tình trạng cứng nhắc và xác định cưỡng chế là chế tài cuối cùng, tập thể cán bộ Phòng Tư pháp nghiên cứu kỹ, tham mưu cho UBND thành phố tổ chức đối thoại để nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ gia đình. Từ đó phân tích, giải thích lý do, nguyên nhân tại sao những yêu cầu gia đình đưa ra lại không được cơ quan Nhà nước giải quyết.
Nhớ lại vụ việc, bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng Tư pháp TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Phòng phối hợp với UBND phường Mường Thanh tổ chức đối thoại 2 cuộc song gia đình không đến, không đồng thuận, gửi giấy mời gia đình cũng không nhận. Ðể đảm bảo tiến độ chung của dự án, phòng bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật là ban hành quyết định cưỡng chế. Theo quy định, trước khi tổ chức cưỡng chế bắt buộc phải tổ chức đối thoại. Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, chính quyền cơ sở tổ chức buổi đối thoại thứ 3. Trong lần đối thoại này, hộ gia đình đã nói hết tâm tư và những thắc mắc. Từ đó, Phòng tham mưu cho lãnh đạo thành phố phân tích, giải thích cho hộ gia đình hiểu rõ: Trong các quyết định phê duyệt phương án đã có đầy đủ các chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với người dân; những hệ lụy đến tiến độ dự án nếu như gia đình không chịu bàn giao mặt bằng… Sau khi hiểu rõ, hộ gia đình đã đồng thuận bàn giao mặt bằng và không phải tổ chức cưỡng chế.
Ðể việc tuyên truyền pháp luật hiệu quả, Phòng Tư pháp luôn thực hiện theo lời Bác dạy: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe”. Với mỗi đối tượng khác nhau áp dụng những hình thức tuyên truyền, phổ biến khác nhau, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Bên cạnh đó, Phòng tư pháp triển khai thực hiện tốt đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”. Hơn 1.038 hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật. Nhờ đó, các tổ hòa giải trên địa bàn đã hòa giải thành trên 70% vụ việc, chủ yếu về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn xích mích liên quan đến đất đai.
Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của ngành, hàng năm chi bộ Phòng Tư pháp lựa chọn nội dung phong trào thi đua sát với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị và từng cán bộ, đảng viên, công chức. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, các nội dung, chuyên đề học Bác được lồng ghép triển khai đến đảng viên, như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, “Dân chủ, quần chúng, nêu gương”, “Thực thà, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh”… Ðồng thời, phát huy truyền thống của ngành, nỗ lực thực hành tư pháp theo phương châm gần dân, giúp dân, học dân, chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp.
Học Bác, cán bộ, đảng viên, công chức Phòng Tư pháp đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống được nâng lên. Năm 2022, 100% đảng viên trong chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 1 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chi bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.