Với Ban Dân tộc HÐND huyện, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức 5 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện các chế độ, chính sách lĩnh vực dân tộc ở địa phương. Bao gồm: Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật; về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Giàng A Dơ, Trưởng ban Dân tộc HÐND huyện cho biết: “Qua giám sát, Ban đã có 76 kiến nghị đối với UBND tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn. Các kiến nghị sau giám sát cơ bản đều phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Ða số các kiến nghị của Ban được các đơn vị, địa phương tiếp thu giải quyết theo thẩm quyền”.
Cuối năm 2021, Ban Dân tộc HÐND huyện giám sát chuyên đề về “Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2022/QÐ-TTg”. Tại thời điểm đó, các xã, thị trấn thực hiện giải ngân rất chậm so với tiến độ, do nhiều nguyên nhân: Trung ương bố trí vốn chậm, gây tâm lý chờ đợi, bức xúc cho người dân. Nhiều gia đình người có công khó khăn về kinh phí, không có vốn đối ứng làm nhà mới, hoặc sửa chữa; người có công tuổi cao đã chết, hoặc chuyển nơi cơ trú không có nhu cầu; một số xã việc nghiệm thu công trình hoàn thành chậm dẫn đến giải ngân chậm… Qua giám sát, Ban đã kiến nghị UBND huyện có giải pháp chỉ đạo cơ quan chuyên môn, thành viên ban chỉ đạo xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Tương tự tại xã Ta Ma, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, ngoài giám sát thường xuyên, Thường trực và các ban của HÐND xã tiến hành 3 cuộc giám sát chuyên đề: Việc thực hiện nghị quyết của HÐND xã trong công tác thu, chi ngân sách xã năm 2020; thực hiện chi trả chế độ tiền hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng; chi trả chế độ tiền điện hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sống ở vùng chưa có điện lưới. Ðây là những nội dung được người dân quan tâm. Hoạt động giám sát được tổ chức không chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo, nghiên cứu tài liệu mà dành thời gian khảo sát thực tế tại cơ sở và trong nhân dân. Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, đưa ra kiến nghị cụ thể đối với chính quyền và các ngành chức năng, chuyên môn. Sau giám sát, chính quyền đã triển khai thực hiện hầu hết các kiến nghị, các lĩnh vực được giám sát có chuyển biến khá tốt.
Ông Giàng A Giao, Phó Chủ tịch HÐND xã Ta Ma thẳng thắn cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động giám sát chuyên đề vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định như số lượng, quy mô, phạm vi giám sát tuy có tăng lên, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi yêu cầu thực tế; cơ quan liên quan giải quyết các yêu cầu, kiến nghị chưa thật sự bảo đảm. Từ thực tế đã qua, HÐND xã Ta Ma xác định nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Lựa chọn tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc như những chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường… Xem xét kỹ các báo cáo để phát hiện những hạn chế, bất cập hoặc mâu thuẫn trong báo cáo; thu thập nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để tiến hành giám sát. Ðồng thời tích cực theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát nghiêm túc, kịp thời…
Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng nhất của HÐND. Chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế để khắc phục, hoạt động giám sát trên địa bàn sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi trong các quyết sách của HÐND, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.