Cùng nhìn lại từng cứ điểm kiên cố của quân Pháp đã sụp đổ trước sức tấn công của bộ đội Việt Minh trong 56 ngày đêm tại Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là thành phố được xây dựng ngay trên chiến địa khốc liệt của 70 năm trước. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng mới, đô thị này vẫn giữ gìn được các di tích ghi dấu chiến công của cha ông trong 56 ngày đêm oai hùng.
Cuối năm 1953, sau khi nhảy dù xuống chiếm lòng chảo Mường Thanh, quân đội Pháp đã xây dựng lên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 3 phân khu.
Phân khu bắc gồm các cứ điểm tại đồi Độc Lập (Gabrielle), đồi Him Lam (Béatrice) và Bản Kéo (Anne-Marie). Phân khu nam (Hồng Cúm – Isabella) gồm một cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm. Phân khu trung tâm gồm loạt cứ điểm A, C, D, sân bay Mường Thanh và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm (nơi trú ẩn của tướng De Castries).
17h05 ngày 13/3/1954, bộ đội Việt Minh bắt đầu pháo kích cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho cả chiến dịch. Sau nhiều đợt xung phong, Đại đoàn 312 của ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Him Lam vào 23h30 cùng ngày.
Ngày nay, di tích đồi Him Lam nằm trên địa bàn phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, nằm cách trụ sở Công an tỉnh Điện Biên 400m.
Giành được Him Lam, bộ đội Việt Minh nhắm tới cứ điểm tiếp theo tại phân khu bắc là đồi Độc Lập. Sau những đòn nghi binh ban đầu, đến 3h sáng ngày 15/4, sơn pháo và pháo 105mm của Việt Minh nã cấp tập vào cứ điểm đồi Độc Lập.
Giao tranh tại đồi Độc Lập có phần khốc liệt hơn trận Him Lam. Địch huy động cả lực lượng phản kích hòng giải cứu cứ điểm nhưng bất thành. Đến 6h30 ngày 15/3, ta hoàn toàn làm chủ đồi Độc Lập.
Ở 2 trận mở màn này và cả những trận về sau, bộ đội Việt Minh tác chiến theo lối “công kiên”, tức là bao vây cứ điểm của địch, pháo kích cấp tập rồi cho bộ binh với số lượng áp đảo xung phong đánh cửa mở, chiếm lĩnh toàn bộ cứ điểm.
Sau khi nghe tin Him Lam và Độc Lập thất thủ, lực lượng binh lính người Thái (thân Pháp) tại cứ điểm Bản Kéo bị sa sút tinh thần. Cộng thêm nỗ lực “binh vận” của Việt Minh, hàng loạt binh lính Thái tại cứ điểm này đã quy hàng. Ngày 17/3, kết thúc đợt tấn công đầu tiên, Việt Minh làm chủ hoàn toàn phân khu bắc.
Đợt tấn công thứ 2 bắt đầu từ ngày 30/3/1954, khi vòng vây của quân ta đã siết chặt quanh phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Trong ảnh là đồi D1 (Dominique 2), ngọn đồi cao nhất tại phân khu trung tâm do Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Algeria chiếm giữ. (Đỉnh D1 sau này được chọn để đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ).
Trong đợt 2, một loạt các cứ điểm tại dãy đồi phía đông gồm D1, C1, C2, E, A1… hứng chịu đợt tấn công dồn dập của Việt Minh. Quân ta sử dụng chiến thuật đào hào vây lấn, bóp nghẹt dần phân khu trung tâm.
Dần dần, chỉ còn A1 (Eliane 2) là cứ điểm cuối cùng còn ngoan cố chống cự. Nơi đây vẫn chưa thất thủ sau nhiều đợt tấn công do có hệ thống hầm ngầm kiên cố. Để chiếm đồi A1, bộ đội đã đào một đường hầm xuyên vào lòng đồi, đặt khối bộc phá nặng 1 tấn.
Đêm 6/5, trong trận đánh mang tính quyết định của đợt tấn công thứ 3, quân ta đã cho nổ khối bộc phá và xung phong chiếm đồi A1.
Vụ nổ trong lòng quả đồi đã tạo ra một hố sụt lớn, thổi bay lô cốt, tạo ra cửa mở cho bộ đội xung phong. Sáng 7/5, cứ điểm đồi A1 thất thủ, báo hiệu giờ tàn của cả tập đoàn cứ điểm.
Ngay trong chiều 7/5, bộ đội được lệnh tổng công kích khu vực trung tâm, nơi có hầm chỉ huy của tướng De Castries. Quân địch chống cự lẻ tẻ, nhiều lính Pháp buông súng đầu hàng.
Khoảng 17h cùng ngày, bộ đội vào được hầm chỉ huy, bắt sống tướng De Castries, người chỉ huy cao nhất của toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
Khi tình hình tại phân khu trung tâm đã ngã ngũ, lính Pháp tại phân khu nam (Hồng Cúm) vẫn nuôi hy vọng mở đường máu để chạy thoát sang Lào. Tuy nhiên, vòng vây của bộ đội Việt Minh tại đây cũng đã siết chặt, không cho địch cơ hội đào thoát.
Trận Hồng Cúm kéo dài đến đêm 7/5 thì bộ đội làm chủ được những điểm phòng ngự cuối cùng tại phân khu nam, chính thức kết liễu hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Việc đánh sập toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ đã dẫn tới sự kiện ký kết Hiệp định Genève năm 1954, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tại Việt Nam.
Thực hiện: Ngọc Tân – Minh Quang