Chẩm chéo – món chấm được coi là “linh hồn” trong bữa ăn của người dân tộc Thái ở Điện Biên. Dân tộc Thái ở mỗi vùng lại có các cách chế biến khác nhau. Nhưng chung quy lại vẫn bao gồm các nguyên liệu chính: muối, ớt, tỏi, mắc khén, hạt dổi, lá thơm, lá chanh,…
Chẩm chéo có 2 lại là chẩm chéo ướt thường dùng để chấm thức ăn như gà, thịt nướng, cá nướng,… và chẩm chéo khô để chấm các loại hoa quả chua: cóc, xoài, mận,..
Với chị Điêu Thị Sâm (1990), người dân tộc Thái trắng – người con của mảnh đất Tủa Chùa thì cơ duyên chị cho ra đời sản phẩm Chẩm chéo Sâm Điêu đạt chuẩn OCOP 3 sao cũng rất tình cờ. Trong một lần đi dã ngoại với gia đình, phải chuẩn bị chẩm chéo để dùng cho bữa thịt nướng, thì tình cờ lần đó chị pha ra những bát chẩm chéo ướt mà cả gia đình ai cũng tấm tắc khen ngon. Chụp ảnh bữa ăn dã ngoại up lên facebook cũng được nhiều người hỏi thăm công thức món muối chấm. Chị cũng không ngại chia sẻ, lâu dần nhiều người thử chẩm chéo của chị đều công nhận rất ngon, bạn bè nhiều người động viên chị làm để bán.
Thấy món chẩm chéo ướt của mình được nhiều người công nhận, cuối năm 2020 chị Sâm cũng từng bước mày mò làm sản phẩm để bán. Những ngày đầu tiên cho ra mắt, bán được 15 – 20 lọ/ngày chị đã rất vui. Nhưng tiếc là sản phẩm chỉ để được 7 đến 10 ngày là có dấu hiệu lên men, và hỏng vì những nguyên liệu làm chẩm chéo toàn bộ là các nguyên liệu tươi, khó bảo quản được lâu. Chững lại một thời gian và duy trì bán chẩm chéo cho bạn bè, khách quen gần nhà. Chị từ chối mối hàng xa ở miền Trung, miền Nam vì chưa tìm được công thức bảo quản lâu dài, đảm bảo chất lượng khi đưa tới tay người dùng.
Mất đến hai năm, cuối năm 2022 chị Sâm nghiên cứu thành công công thức riêng, chẩm chéo ướt dùng được từ 3-6 tháng bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh vẫn giữ được độ tươi ngon ban đầu.
Chị Điêu Thị Sâm cho biết: “Món chẩm chéo của người Thái ở Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung vốn là món đặc sản đã có rất nhiều sản phẩm bán trên thị trường. Ngoài gặp khó khăn trong việc nghiên cứu cách bảo quản, thì mình cũng đã mất rất nhiều thời gian và tâm huyết để đưa ra một công thức chuẩn, riêng biệt, để lại ấn tượng khó phai cho người dùng như hiện tại. Với tâm huyết bỏ ra, cũng sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền tại địa phương, món chẩm chéo ướt Chẩm chéo Sâm Điêu đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 11 năm 2023. Được đi giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại tại nhiều hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Từ đó, sản phẩm Chẩm chéo Sâm Điêu được nhiều người biết đến hơn rất nhiều”.
Ra mắt từ năm 2021 đến nay, chẩm chéo Sâm Điêu có xưởng sản xuất tại Bản Báng, Thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Trung bình một ngày cho ra 200 -300 lọ chẩm chéo ướt. Ngoài chẩm chéo ướt, chị Điêu Thị Sâm còn phát triển các sản phẩm như chẩm chéo khô, các sản phẩm thịt trâu khô, thịt ba chỉ gác bếp, thịt lợn gác bếp…
Hiện tại, kênh bán hàng chủ yếu của chị Sâm vẫn liên lạc, giới thiệu qua Zalo, Facebook và hệ thống công tác viên trải dọc 3 miền. Với giá 60.000 đồng/lọ 350g, chị Sâm cho biết: “Trung bình 1 năm, tính riêng sản phẩm chẩm chéo ướt của thương hiệu Sâm điêu, cơ sở bán ra 5.000 lọ/năm, doanh thu 250 – 300 triệu đồng/năm. Cao điểm sẽ tập trung từ tháng 9 đến hết tháng 3 hàng năm vì thời tiết thời gian đó mát mẻ, mọi người có xu hướng ăn các món lẩu, nướng nhiều nên doanh thu cũng tăng cao trong thời điểm này”.
Theo ông Phạm Quốc Đạt – Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa chia sẻ: “Chấm chéo vốn là món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Việc chẩm chéo Sâm Điêu được công nhận OCOP 3 sao góp phần quảng bá văn hóa địa phương, phát triển kinh tế từ sản phẩm địa phương. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin chứng nhận OCOP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông chúng tôi cũng rất quan tâm, hướng dẫn tận tình cho các chủ thể, Bên cạnh đó, tạo nhiều cơ hội để các sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng rãi, được tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến quảng bá ẩm thực,…”
Sản phẩm Chẩm chéo Sâm Điêu vừa là mộtnguồn thu ổn định, vừa là một cách để chị Sâm quảng bá cũng như giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái. Chị Sâm là một trong những tấm gương cho chị em phụ nữ nói riêng và bà con trên địa bàn nói chung trong việc tạo thu nhập ổn đinh và từng bước phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và mang đặc sản núi rừng của Điện Biên vươn xa.