Cụ thể, hiện có 11 dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang được đôn đốc triển khai. Trong số 11 dự án nói trên, chỉ dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm có thời gian thực hiện đến năm 2025; 7 dự án có thời gian thực hiện đến năm 2024; 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Vậy nhưng, đến đầu tháng 11, chỉ có Dự án xây dựng cầu Thanh Bình bảo đảm tiến độ, đã thông xe kỹ thuật sáng 1/11. Các dự án còn lại đều chậm hoặc rất chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Với dự án Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (Ðường động lực), có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2024, vậy nhưng đến hết ngày 20/10/2023, tổng giá trị các gói thầu xây lắp mới đạt 28%. Khó khăn là chưa giải phóng, bàn giao đủ mặt bằng.
Cũng chung tình trạng chậm tiến độ, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội thị khu Trung tâm Hành chính, chính trị tỉnh, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng được giao thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023 thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai phần việc nào trên thực địa. Hiện chủ đầu tư đã ký hợp đồng thực hiện 1 gói thầu, mở thầu 1 gói thầu xây lắp, đang thực hiện lựa chọn nhà thầu các gói thầu còn lại. Ðến năm 2023, dự án chưa được bố trí vốn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quá trình điều hành thực hiện.
Hay Dự án Xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh Ðiện Biên, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2024. Dự án phải thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đất của 12 hộ gia đình và 1 tổ chức ở phường Noong Bua bị ảnh hưởng. Thời gian qua TP. Ðiện Biên Phủ đang nỗ lực thực hiện các phương án đền bù, GPMB, nhưng nhìn chung vẫn chậm. Kể từ khi ký hợp đồng xây lắp với nhà thầu đến nay đã hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa có mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành và giải ngân, thanh toán vốn đã được giao đến năm 2023.
Ðề cập khó khăn khi triển khai dự án, đại diện lãnh đạo các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư cho rằng, vướng nhất vẫn là khâu GPMB. Thiếu “mặt bằng sạch”,“mặt bằng xôi đỗ”, nên các nhà thầu chưa thể đưa máy móc thi công đồng loạt được.
Cụ thể như Dự án Xây dựng trụ sở làm việc kết hợp trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh Ðiện Biên, vướng mắc phát sinh là phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung hồ sơ quy chủ và đề nghị UBND tỉnh bổ sung đơn giá đất rừng sản xuất để có cơ sở pháp lý lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các gia đình theo đề nghị của Trung tâm quản lý đất đai TP. Ðiện Biên Phủ.
Nguyên nhân chậm GPMB là do chính sách của Nhà nước về đất đai thiếu đồng bộ; nguồn gốc đất phức tạp nên khó tính toán, áp dụng giá đền bù cho dân. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ làm việc cầm chừng, thiếu sáng tạo; cùng lúc thực hiện nhiều dự án nên thiếu người làm; không loại trừ có cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… Công tác báo cáo định kỳ các phần việc theo tuần chưa nghiêm túc. Cụ thể, trong tuần 3 tháng 10 (từ ngày 21- 27/10/2023), có 3/5 đơn vị chủ đầu tư thực hiện báo cáo đúng tiến độ theo Văn bản 3730/UBND-TH của UBND tỉnh; 2/5 đơn vị không thực hiện báo cáo.
Tháo gỡ điểm nghẽn này, các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, chính quyền địa phương và cả nhà thầu cần chủ động phối hợp làm tốt công tác bồi thường GPMB, từ khâu tuyên truyền, đo đạc, kiểm đếm, áp dụng định mức bồi thường… đảm bảo chặt chẽ, khoa học, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Cùng với đó, chấn chỉnh ngay ý thức, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức các phòng, ban được giao thực hiện dự án; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ triển khai các dự án vì mục tiêu xây dựng tỉnh Ðiện Biên ngày càng khang trang, hiện đại.