Điện Biên cách Hà Nội khoảng 450 km, giáp Sơn La, Lai Châu, có biên giới với Trung Quốc và Lào, thủ phủ là thành phố Điện Biên Phủ, có thị xã Mường Lay và 8 huyện.
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 đến 23 độ C, nhiệt độ thấp nhất khoảng 13 độ C, cao nhất khoảng 25 độ C. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 8. Nắng nhiều nhất vào các tháng 3-4 và 8-9.
Điện Biên giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ Cát).
Bên cạnh đó Điện Biên nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: rừng nguyên sinh Mường Nhé, hang động Pa Thơm, Thẩm Púa, suối khoáng nóng Hua Pe, U Va, các hồ Pá Khoang, Pe Luông.
Một đoạn đèo Pha Đin vào mùa xuân khi hoa ban nở trắng rừng. Ảnh: KK
Di chuyển
Sau một thời gian đóng cửa để nâng cấp, sân bay Điện Biên đã đón khách trở lại vào ngày 2/12/2023. Vietnam Airlines có đường bay thẳng từ Hà Nội vào tất cả các ngày trong tuần, giá vé khứ hồi dao động từ 1,6 đến 2,8 triệu đồng. Du khách từ TP HCM cũng có thể bay bằng Vietnam Airlines, với một điểm dừng ở Hà Nội. Vietjet có đường bay thẳng từ TP HCM với tần suất 3 chuyến một tuần vào các ngày thứ ba, năm và bảy, giá vé khứ hồi khoảng 2 triệu đồng.
Sân bay Điện Biên được nâng cấp từ năm 2022. Ảnh: Thanh Niên
Đường bộ từ Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ dài 450 km. Du khách có thể đi theo CT08, CT02, QL6 qua tỉnh Hoà Bình hoặc theo tuyến DT87, QL32, QL37 qua Hòa Bình và Sơn La. Thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng.
Xe khách chạy tuyến Hà Nội – Điện Biên có một số hãng xe như Nam Liên, Nam Oanh, Hải Vân, Khánh Lệ, Cường Tâm, Chiến Hà, giá vé dao động từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Xe khởi hành từ bến Mỹ Đình.
Để đến thành phố Điện Biên Phủ bắt buộc phải qua đèo Pha Đin – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đèo Pha Đin nằm ở giáp ranh giữa huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Đèo dài 32 km.
Lưu trú
Khách sạn ở Điện Biên chủ yếu tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ, đa dạng loại phòng, từ nhà nghỉ, homestay đến các khách sạn 3-4 sao.
Khách sạn Mường Thanh Điện Biên, Him Lam Hotel, Điện Biên – Hải Vân, Phương Nam, An Lộc có giá phòng một đêm từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
Các nhà nghỉ trong thành phố có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một đêm. Một số homestay được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên gợi ý gồm: Mường Then, Phương Đức, Điện Biên – Thung lũng Hoa Hồng, Nàng Ban.
Tham quan
Cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ là phần quan trọng trong hành trình ghé thăm các điểm đến lịch sử tại tỉnh Điện Biên. Hầu hết những nơi này nằm liền nhau, nên du khách thuận tiện ghé thăm trong một buổi.
Đồi A1
Toàn cảnh đồi A1 với những dấu tích còn nguyên vẹn từ trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Niên
Nằm ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, đồi A1 là một trong những cứ điểm quan trọng nhất của trận đánh, được coi là “cuống họng” bảo vệ khu trung tâm.
Tên A1 là tên quân đội Việt Nam đặt cho ngọn đồi, trước đó có nhiều tên gọi khác. Xung quanh A1 quân Pháp xây dựng hệ thống hàng rào thép gai với đủ hình dạng. Trận đánh trên đồi A1 diễn ra ác liệt, kéo dài và hy sinh nhiều. Trên đỉnh đồi là căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu của toà công sứ Pháp trước năm 1945. Hầm được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng vật liệu chắc chắn, tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ bê tông dày, có thể làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người. Trên đồi A1 vẫn còn dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960 kg thuốc nổ.
Ở đồi A1 hiện nay, bên cạnh tham quan, du khách còn được trải nghiệm một số hoạt động thực tế như nấu cơm chiến sĩ bằng bếp Hoàng Cầm, đẩy xe đạp thồ để chở nhu yếu phẩm, nghe các câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ và sinh hoạt của người lính trong chiến đấu.
Hầm Đờ Cát
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát được thực dân Pháp xây dựng kỳ công, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. Hầm nằm cách đồi A1 khoảng 1 km, được mệnh danh là “căn hầm kiên cố nhất Đông Dương”. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây thép gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hiện cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên cho du khách tham quan. Hầm dài 20 m và rộng 8 m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của tướng Đờ Cát cùng quân lính.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở phường Mường Thanh, đón khách từ ngày 5/5/2014 sau 19 tháng thi công. Đây là công trình mang ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa cũng như nghệ thuật.
Bên ngoài Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Đạt
Bảo tàng được thiết kế hình nón cụt, phần trang trí tạo hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang của mũ bộ đội, gồm một tầng hầm và một tầng nổi. Tầng hầm là nơi đón khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày chuyên đề chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần nổi có diện tích 1.250 m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ.
Một phần của bức tranh panorama ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điểm nhấn đặc biệt ở đây là bức tranh panorama có hơn 4.500 nhân vật, chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, phần đắp nổi 6 m, tổng diện tích hơn 3.200m2. Tranh được vẽ sơn dầu trên nền vải toan từ tháng 11/2019 và hoàn thành giai đoạn 1 tháng 5/2021, với sự tham gia của khoảng 100 họa sĩ. Các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 được thể hiện liên hoàn và ấn tượng qua từng nét vẽ.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Đạt
Tượng đài được khánh thành vào ngày 7/5/2004 nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Công trình tọa lạc trên đồi D1, ngay trung tâm thành phố. Cụm tượng đài là nhóm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tượng có chiều cao 12,6 m được đúc bằng 217 tấn đồng.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Ảnh: Văn Đạt
Nghĩa trang nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, cách đồi A1 vài trăm mét. Đây là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết nơi này là các ngôi mộ vô danh. Nhà quản trang mang kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Thái ở Điện Biên, lễ đài bên ngoài được thiết kế theo Khuê Văn Các.
Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng
Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, chân núi Pú Đồn, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km.
Toàn cảnh căn cứ Mường Phăng. Ảnh: Du Lịch Điện Biên
Các công trình của Sở Chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm, lán trại đảm bảo bí mật và an toàn. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc và nghỉ ngơi trong chiến dịch. Hiện nhiều di tích vẫn còn nguyên giá trị như: Lán ở và làm việc của Đại tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng. Ảnh: Văn Đạt
Từ điểm cao nhất, du khách có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1. Cụm Tượng đài chiến thắng tại Công viên Mường Phăng (ảnh trên) cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi tới đây.
Ngoài ra tại Mường Phăng còn có vườn anh đào nở rộ dịp gần Tết nằm ở hòn đảo giữa lòng hồ Pá Khoang. Du khách nên căn thời gian để được chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây.
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin dài 32 km, thuộc QL6, là cửa ngõ vào tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 m so với mực nước biển, một bên là vách núi, một bên là vực. Đây cũng là nơi bắt đầu của hành trình kéo pháo, vận tải lương thực vũ khí đạn dược bằng sức người của quân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điểm dừng chân trên đèo Pha Đin. Ảnh: Thieu Hoa
Đèo Pha Đin hiện không còn hiểm trở như trước, những nơi đường hẹp cũng đã được mở rộng nhưng vẫn còn những cung đường lúc lên, lúc xuống ngoằn ngoèo và vô số khúc cua tay áo. Trên đèo Pha Đin có khu du lịch Pha Đin Pass, là điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi và ngắm cảnh, đồng thời là nơi giao lưu của người dân hai tỉnh Điện Biên và Sơn La.
Cánh đồng Mường Thanh và sông Nậm Rốn
Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa ở lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ. Nằm trên độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20km, với chiều rộng trung bình 6km. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến Điện Biên Phủ.
Mường Nhé và cực Tây
Cột mốc biên giới 3 nước. Ảnh: Báo Tổ Quốc
Mường Nhé là huyện ở phía tây bắc tỉnh, nơi có điểm cực Tây của Việt Nam, ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Địa hình nơi đây chủ yếu là rừng, chiếm 55% diện tích. Ngoài ra, nơi này còn có khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, một trong những rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam với hệ sinh thái đa dạng.
A Pa Chải là điểm đến nổi tiếng nhất ở Mường Nhé, nơi có cột mốc tọa độ số 0, nằm trên đỉnh núi Khoan La San. Cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm vào ngày 27/6/2005, làm bằng đá granit, mỗi mặt có khắc tên nước và quốc huy của mỗi quốc gia. Vào những ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng là ngày họp chợ phiên tại A Pa Chải, một nét đẹp văn hóa vùng biên cương.
Vào mùa khô đường đến A Pa Chải khá dễ đi, nhưng vào mùa mưa, những cung đường trở nên khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Du khách nên có người hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Thị xã Mường Lay
Thị xã Mường Lay được xem là thủ phủ người Thái Trắng, nơi du khách có thể du ngoạn trên sông Đà chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và tìm hiểu cuộc sống và văn hóa của đồng bào Thái. Đến Mường Lay, du khách nên ghé cầu Hang Tôm nơi nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Cầu Hang Tôm cũ được xây dựng năm 1967, từng là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Tháng 11/2012 đập thủy điện Sơn La tích nước khiến toàn bộ thị xã Mường Lay cũ trong đó có cả cây cầu Hang Tôm bị chìm dưới lòng hồ sông Đà. Ngay gần vị trí cầu Hang Tôm cũ, đã có một cây cầu mới được dựng lên và cao hơn 70 m so với trước đây.
Điện Biên Đông
Đây là huyện phía đông nam tỉnh Điện Biên, với nhiều đỉnh núi cao, thích hợp cho các chuyến trekking leo núi. Đỉnh săn mây Chóp Ly nằm cách thành phố Điện Biên Phủ 35 km, là nơi du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của cảnh núi non kết hợp với trời mây. Thời điểm phù hợp nhất để săn mây ở Chóp Ly là từ tháng 4 đến tháng 9. Điện Biên Đông còn có hồ Noong U, một hồ nước tự nhiên với diện tích khoảng 4 ha và nằm giữa khung cảnh núi non xanh tươi. Hồ là nơi thu hút du khách để tham quan và thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Ngoài ra, các huyện như Mường Chà, Mường Ảng, Nậm Pồ, Tủa Chùa… đều có các khu du lịch sinh thái và điểm đến phù hợp với du lịch trải nghiệm như leo núi hay tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc bản địa.
Suối khoáng nóng U Va
Bể tắm khoáng nóng ở U Va. Ảnh: Dulichpro
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15 km, thuộc huyện Điện Biên, suối nước nóng U Va có tổng diện tích 73.000 m2. Thời gian thích hợp nhất để đến đây là từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm khi trời lạnh. Suối khoáng nóng cung cấp nhiều dịch vụ giúp du khách thư giãn tinh thần, cơ thể thoải mái và da dẻ mịn màng.
Nếu muốn ngâm khoáng nóng, du khách nên ngâm vào lúc sáng sớm hoặc vào buổi chiều. Sau khi tắm xong, có thể tham gia các hoạt động giải trí khác như: chơi tennis, đạp xe, đánh cầu lông, thưởng thức văn nghệ từ những người dân tộc Dao, H’Mông. Giá vé vào cửa tùy vào dịch vụ dao động từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng một khách. Dịch vụ nhà sàn dao động từ 120.000 đến 220.000 đồng một phòng.
Thành Bản Phủ
Thành Bản Phủ (còn có tên là thành Chiềng Lề) thuộc huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 8 km về phía nam, được xây dựng từ 200 năm trước. Nơi đây ghi dấu nhiều những hoạt động nổi bật cho người anh hùng Hoàng Công Chất bởi ông là hình tượng cho tinh thần đại đoàn kết của dân tộc khi chống giặc ngoại xâm. Thành đã bị phá hủy nhiều sau khi quân Trịnh tiến vào chiếm giữ thế kỷ 18 nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Năm 1981, thành được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ăn uống
Gà nướng mắc khén
Mắc khén là một loại gia vị đặc trưng ở vùng núi tây bắc, được sử dụng để tạo sự khác biệt cho món gà nướng tại đây so với những món ăn tương tự ở nhiều địa phương khác. Gà được đem nướng trên than củi, lửa không quá to. Khi nướng không cần phết thêm mỡ vì mỡ gà sẽ tự chảy ra, đến khi thịt săn chắc thì phết thêm gia vị mắc khén bên ngoài da. Đừng quên chấm với chẩm chéo để đủ vị.
Pa pỉnh tộp
Món ăn đặc sản Điện Biên này có tên gọi khá lạ, nhưng thật ra là món cá nướng như cá chép, cá trôi, cá trắm. Sau khi được làm sạch, cá được đem đi mổ dọc sống lưng. Gia vị ướp trực tiếp và nhồi vào bụng cá gồm gừng, sả, rau thơm và đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân, bên ngoài xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Pa pỉnh tộp nướng trên lửa than. Khi nướng phải dùng thanh tre kẹp lại để vị cá thêm đậm đà khi các loại gia vị thấm sâu vào từng thớ thịt và tỏa hương thơm. Thịt cá nướng xong thì bên trong thơm, ngọt, khô chắc.
Đây là món ăn từng được đầu bếp nổi tiếng người Mỹ đề cập trong chương trình ẩm thực “Khám phá Việt Nam”.
Gà nướng mắc khén.
Vịt om hoa chuối
Vịt om hoa chuối là một món ăn dân dã, dễ chế biến của người dân bản địa. Thịt vịt đồng sau khi làm sạch sẽ được tẩm ướp với các gia vị như ớt, gừng, sả, mắc khén sau đó gói vào lá chuối rừng om trong khoảng 3 tiếng ở lửa nhỏ cho đến khi thịt chín. Người dân Điện Biên thường sử dụng hoa chuối rừng bắp dài vì loại này ngon hơn, có vị ngọt thanh, ít mủ và ít chát hơn. Món ăn tuy vẻ ngoài không bắt mắt nhưng hương thơm ngào ngạt ngay từ khi mở lớp lá chuối.
Thịt lợn xay hấp lá chuối
Món ăn đơn giản, đúng như tên gọi, được làm từ lợn xay nhuyễn ướp với các gia vị rồi gói trong lá chuối, đem đi chưng cách thủy khoảng một tiếng cho chín là ăn được. Một trong những điều quan trọng khiến món ăn ngon là thịt phải tươi, thơm. Món ăn đơn giản nhưng dễ ăn, dễ nhớ nhờ mùi thơm của thịt hòa quyện với mùi thơm của lá chuối, phần thịt mềm và béo, dính chặt vào nhau.
Rêu đá
Rêu đá.
Rêu đá có màu xanh lục, mọc bám vào những tảng đá chìm trong khe suối theo mùa từ tháng 9-10 Âm lịch đến hết tháng 5. Không được chăm cấy nhưng rêu mọc như một quy luật tự nhiên. Mùa rêu, người Thái ở những nơi gần sông, suối thường lấy rêu non về phơi khô để ăn dần hay chế biến thành món như rêu hấp, canh rêu, nộm rêu, rêu nướng nhưng ngon nhất vẫn là rêu non, được bỏ vào lá chuối, lá dong kẹp tre nướng trên than hoa. Rêu đá có thể nướng không hoặc cùng cá suối, thịt lợn, gà.
Chẩm chéo
Chẩm chéo (hay chẳm chéo) là gia vị cổ truyền của dân tộc Thái vùng Điện Biên nói riêng và cả vùng tây bắc nói chung. Chẩm chéo được tạo nên bởi nguyên liệu chính là quả mắc khén, ngoài ra còn có cá cơm, muối, hạt dổi, tỏi, húng lủi, rau thơm, ớt bột, sả.. Sau khi mắc khén được làm sạch thì rang cho giòn rồi giã nhuyễn, sau đó trộn với ớt khô, sả, muối, rau mùi tạo nên một hỗn hợp các hương vị hòa quyện. Chẩm chéo dùng chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và các món rau sống.
Chẩm chéo.
Lưu ý
Cố gắng tránh đến Điện Biên vào mùa mưa vì nguy cơ sạt lở rất cao.
Taxi tại Điện Biên giá tương đối cao nên du khách cân nhắc khi trả giá hoặc sử dụng những phương tiện khác như xe máy, xe ôm.
Tâm Anh