Bài 1: “Nút thắt” từ quy hoạch
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và tạo cơ sở pháp lý để tiến tới hoàn thiện việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp, giai đoạn 2006 – 2020 tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, quy hoạch đã bộc lộ bất cập, thiếu sót cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, ngày 21/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1208/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, sau khi rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch 3 loại rừng, nhiều người dân, địa phương gặp khó khăn trong đời sống sản xuất, cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Qua nhiều năm thực hiện, quy hoạch 3 loại rừng đã bộc lộ bất cập, thiếu sót cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế như: Cơ sở dữ liệu, bản đồ, hiện trạng rừng và tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp có sự sai khác rất lớn so với thực địa; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình vẫn nằm đan xen trong quy hoạch 3 loại rừng. Nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng không còn phù hợp với tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế, tác động không nhỏ đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Để khắc phục những hạn chế, đáp ứng mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng rừng, xoá đói giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1208/QĐ-UBND. Trong đó, chú trọng việc rà soát đưa ra khỏi quy hoạch diện tích đất ở, đất lúa, công trình… và tổ chức công bố, giao đất, giao rừng ngoài thực địa đến từng tiểu khu, xã, huyện, chủ quản lý rừng.
Theo đó, tỉnh Điện Biên có gần 695.000ha (chiếm 72% diện tích tự nhiên) thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 51.664ha (bao gồm cả đất có rừng và chưa có rừng); rừng phòng hộ hơn 416.163ha và 226.925ha rừng sản xuất. Mục tiêu của quy hoạch nhằm rà soát, điều chỉnh lại quy mô đất lâm nghiệp và cơ cấu các loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, tình hình thực tế của địa phương. Gắn quy hoạch 3 loại rừng với thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, từng bước nâng cao độ che phủ rừng, phấn đấu đạt 45% vào năm 2025 và 48% năm 2030.
Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gặp nhiều khó khăn. Nhiều thôn, bản, nhà dân vẫn nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp chưa được đưa ra. Điển hình, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 8.908ha, tuy nhiên theo quy hoạch có hơn 8.297ha đất lâm nghiệp (chiếm 93,1% tổng diện tích tự nhiên). Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều diện tích đất ruộng, ao, vườn, nhà cửa, công trình trụ sở… trên địa bàn xã Pa Thơm đều nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp. Như bản Pa Thơm là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Lào, nhưng diện tích cả bản đều bị quy hoạch vào đất lâm nghiệp!
Tương tự, toàn bộ 84 hộ dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) đều nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp. Theo anh Lý A Sĩ, Trưởng bản Chan 3, dân bản đã sinh sống ở đây từ rất lâu, nhưng khi công bố quy hoạch 3 loại rừng mới biết cả bản nằm trong quy hoạch rừng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.
Không chỉ vậy, ngay cả đất trụ sở cơ quan Nhà nước tại một số xã cũng nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp. Theo ông Thào A Tú, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, qua rà soát theo Quyết định 1208/QĐ-UBND thì trụ sở UBND xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) hiện nay có gần 600m2 nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, dù trụ sở nằm cạnh mặt đường, ở khu trung tâm, đông dân cư. Hay hồ Tông Lệnh (huyện Tủa Chùa) cũng có khoảng 1.500m2 bị đưa vào quy hoạch 3 loại rừng.
Bên cạnh đó, khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, quá trình tổ chức công bố nội nghiệp, ngoại nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, khi các địa phương tổ chức công bố quy hoạch 3 loại rừng thì rất nhiều hộ dân không tham dự, phần vì bận đi làm, phần vì không coi trọng công bố quy hoạch (chỉ đạt 25,4% số hộ cần công bố). Riêng 2 huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông không tổ chức công bố quy hoạch 3 loại rừng ngoài thực địa.
Chính vì vậy, nhiều hộ dân, cộng đồng thôn, bản không nắm rõ quy hoạch 3 loại rừng sau điều chỉnh, cho nên chỉ thời gian ngắn sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh thì tại một số địa phương đã xảy ra các vụ xâm hại rừng và bị phát hiện xử lý. Đơn cử trường hợp anh Vàng A Giàng, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) không đồng ý đưa diện tích rừng tái sinh trên đất nương của gia đình vào khoanh nuôi theo quy hoạch 3 loại rừng với lý do tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp hơn so với làm nương. Vì vậy, gia đình phá rừng tái sinh làm nương.
Nhằm khắc phục bất cập quy hoạch 3 loại rừng, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát những vị trí, diện tích (đất ở, đất lúa nước, đất thủy sản, đất vườn và đất khác) nằm trong quy hoạch 3 loại rừng để đưa ra ngoài quy hoạch và bổ sung diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch vào trong quy hoạch lâm nghiệp. Qua rà soát, ngành Nông nghiệp đề xuất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 6.836ha. Cùng đó, căn cứ kết quả rà soát, liên ngành đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh giảm chỉ tiêu giao đất, giao rừng cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn năm 2019 – 2023 theo Kế hoạch 2783/KH-UBND là 102.484ha. Như vậy tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi điều chỉnh giảm còn 592.269ha.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217211/bat-cap-trong-giao-dat-giao-rung