Là xã có diện tích rừng lớn của huyện Điện Biên với trên 8.500ha rừng phòng hộ và khoảng 3.200ha rừng sản xuất, xã Mường Lói còn được biết đến là nơi có truyền thống giữ rừng rất tốt. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, huyện Điện Biên đã chọn xã Mường Lói tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Với tình huống giả định người dân khi phát cỏ, đốt thực bì làm nương, không tuân thủ theo quy định đã để xảy ra cháy lan sang khu vực rừng phòng hộ thuộc bản Lói, xã Mường Lói. Hơn 260 cán bộ, dân quân tự vệ, dự bị động viên, kiểm lâm, công an, quân sự và người dân đã được huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói, cuộc diễn tập dù được đánh giá xếp loại giỏi, song từ thực tế diễn tập cũng chỉ ra những hạn chế như: hành động của bộ phận cơ động xã đến vị trí chữa cháy rừng còn chậm; ý thức trong xử trí tình huống chưa cao ở phần thực binh. Đây cũng là bài học để các lực lượng chức năng, chính quyền và người dân trên địa bàn xã rút kinh nghiệm, đẩy mạnh việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng trên địa bàn cũng như củng cố kỹ năng chữa cháy rừng cho các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng và người dân nơi có rừng… Thông qua diễn tập kịp thời bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với tình hình thực tế của địa phương.
Tháng 11 vừa qua, cuộc diễn tập ứng phó cháy rừng quy mô cấp huyện đã được TP. Điện Biên Phủ tổ chức tại xã Thanh Minh với 2 giai đoạn: tổ chức chuẩn bị ứng phó cháy rừng (phần cơ chế) và thực hành ứng phó cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn (phần thực binh). Đối với phần cơ chế, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng TP. Điện Biên Phủ tổ chức các hội nghị đánh giá tình hình, điều chỉnh kế hoạch ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; giao nhiệm vụ bổ sung, tổ chức hiệp đồng, triển khai các biện pháp ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Trong phần thực binh, tình huống giả định người dân đốt nương để xảy ra cháy rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc tiểu khu 717, bản Púng Tôm, xã Thanh Minh. Cuộc diễn tập huy động hơn 600 cán bộ, nhân dân, dân quân tự vệ, dự bị động viên; đầy đủ các loại phương tiện bảo đảm chữa cháy, trong đó có 5 xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh). Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng TP. Điện Biên Phủ đã thực hiện 2 vấn đề huấn luyện: Sử dụng lực lượng tại chỗ bản Púng Tôm và lực lượng tại chỗ xã Thanh Minh thực hành chữa cháy rừng, sơ tán di dời tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; lực lượng tăng cường của thành phố phối hợp với lực lượng tại chỗ của xã Thanh Minh và lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hành chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn 7 cuộc tại cấp xã và 2 cuộc quy mô cấp huyện.
Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thông qua các cuộc diễn tập giúp nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng; nâng cao năng lực trong chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp hiệp đồng tác chiến trong xử lý các sự cố cháy rừng, cần huy động nhiều lực lượng, địa phương tham gia. Tham gia diễn tập giúp các lực lượng làm quen và sử dụng thành thạo dụng cụ, máy móc, thiết bị chữa cháy rừng được trang bị.
Với hơn 415.000ha rừng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Điện Biên là địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Trong năm 2023, trong tổng số 75 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh có 7 vụ gây thiệt hại về rừng, với tổng diện tích rừng bị cháy 2,94ha. Chính vì vậy, việc tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng. Đây cũng là dịp để các địa phương rà soát, bổ sung và hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.