Nghị quyết số 101 giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Mục tiêu là qua rà soát cần nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và những vấn đề vướng mắc gây khó khăn để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, khoảng 6,5%. Hầu hết các nội dung qua rà soát có bất cập là do được ban hành khá lâu, điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng có nội dung được cho là vướng mắc, song thực chất là do nhận thức, do văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành đầy đủ hoặc chưa triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật. Các nội dung của văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập là do một số nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và có trường hợp chưa kịp thời cập nhật nội dung sửa đổi các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
Tình trạng “đổ thừa” cho hệ thống pháp luật tuy không mới nhưng là vấn đề đáng lo ngại khi có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây. Để những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm không còn nơi “trú ẩn”, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương tới địa phương, bảo đảm hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, dễ thực hiện, bám sát “hơi thở” cuộc sống, phù hợp và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong đó, Quốc hội tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo phương châm từ sớm, từ xa và cụ thể hóa trách nhiệm rõ ràng trong công tác phối hợp xây dựng pháp luật; tăng cường vai trò hiến định là giải thích các quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đối với các văn bản dưới luật, đề nghị Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan sớm có kế hoạch sửa đổi để báo cáo với Quốc hội, nhất là xử lý các văn bản bất cập theo Nghị quyết số 101/2023/QH15. Tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng kiểm tra, xử lý các văn bản có nội dung, quy định trái thẩm quyền.
Các cơ quan hữu quan cần khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Vừa qua, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết diễn ra nghiêm trọng tới mức một số luật đã có hiệu lực thi hành nhưng rất lâu các bộ chủ trì soạn thảo chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp đã phải đề nghị các bộ chủ trì soạn thảo khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý “khoảng trống” pháp lý trong thời gian chưa có văn bản quy định chi tiết thi hành. Đến nay, vẫn còn 12 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành.
Một vấn đề hiện nay được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý là việc bảo đảm thống nhất quan điểm trong xử lý công việc. Thí dụ, vừa qua trong xử lý một số vụ án liên quan đất đai, nhiều cơ quan chức năng chưa thống nhất xác định giá trị đất tại “thời điểm xảy ra vụ án” hay tại “thời điểm xử lý vụ án”, dẫn đến xác định mức thất thoát khác nhau.
Có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng qua nhiều lần xác định lại chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng… Trong những trường hợp này, nhiều cán bộ rất lo lắng nếu cơ quan chức năng có quan điểm, nhận thức pháp luật khác nhau thì người thực thi công vụ rất dễ bị quy trách nhiệm sai phạm. Những vấn đề thực tiễn này nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ là rào cản tư duy đổi mới, sáng tạo nhưng lại là nơi “ẩn náu” an toàn cho những cán bộ trì trệ, thoái thác công việc.