Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
Tỷ lệ điều tra án vượt chỉ tiêu Quốc hội đặt ra
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước.
Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; trong đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn; kịp thời tham mưu, ban hành và thực hiện các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại.
Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của người dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở để phòng ngừa tội phạm, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, qua đó giải quyết các vụ việc và phòng ngừa tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở.
“Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện thể chế trong công tác quản lý môi trường, tài nguyên, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tập trung giải quyết vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm còn xảy ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực, địa bàn; số vụ được phát hiện nhiều hơn 18,87%.
Tiếp tục tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động phạm tội trên mạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa. Tăng cường kiểm tra, rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; số vụ được phát hiện tăng 203,61%.
Đã triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68%; trong đó có một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Giảm số vụ, số người chết do tai nạn giao thông
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Tai nạn giao thông giảm số vụ, số người chết, trong đó, giảm 0,93% về số vụ; giảm 0,53% về số người chết, tăng 3,3% về số người bị thương; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.
Đã chủ động rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, kiên quyết đình chỉ công trình, dự án vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, số vụ cháy tăng 10,87%, số vụ nổ giảm 30%, trong đó có một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.
“Các cơ sở giam giữ được bảo đảm an ninh, an toàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, không để xảy ra trường hợp các đối tượng giam giữ chống đối tập thể, phức tạp, qua đó góp phần phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
8 giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ ANTT. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.
Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.
Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho lực lượng thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.
Chính phủ cũng kiến nghị, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực và tổ chức công tác giám sát; tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng CAND.