Du khách tham quan đỉnh Fansipan của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143m. Ảnh: Minh Tú
Đa dạng sản phẩm
Mặc dù kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch không dài, lại sát với Tết Nguyên đán nhưng đây vẫn là thời gian được nhiều du khách lựa chọn du lịch. Vì thế, ngay từ quý III-2024, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã triển khai những chiến dịch quảng bá và xây dựng sản phẩm dành cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Đánh giá xu hướng du lịch cuối năm, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour Trần Bảo Thu cho biết, dòng sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) sẽ là sản phẩm chính vì vào dịp này, nhiều doanh nghiệp sẽ tổ chức tổng kết năm. Với thị trường tour lẻ trong nước, các sản phẩm dạng combo (nhiều dịch vụ) và tour thiết kế riêng sẽ phát triển song song với tour trọn gói dành cho khách lẻ ghép đoàn. “Tình hình khách đặt dịch vụ trong nước có thể sẽ sôi động từ đầu tháng 12-2024 đến tháng 1-2025 do khách có xu hướng đặt tour cận ngày”, bà Trần Bảo Thu dự đoán.
Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, với thị trường nội địa, du khách có xu hướng lựa chọn điểm du lịch gần. Thời điểm này, du lịch Đông – Tây Bắc vẫn là lựa chọn tốt vì đang vào mùa đẹp như: Mùa tam giác mạch Hà Giang; mùa hồng chín, hoa mận nở ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La); mùa săn mây ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu… Bên cạnh đó, những địa điểm du lịch biển tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), huyện đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng)… cũng là những điểm được du khách lựa chọn.
Hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đang tăng cường giới thiệu sản phẩm du lịch vùng Đông – Tây Bắc với mức giá hấp dẫn. Điển hình như Công ty VietSense Travel giới thiệu chùm tour Hà Nội – Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên có giá hơn 2,6 triệu đồng/người; Công ty Du lịch Việt giới thiệu tour khám phá Sa Pa – Fansipan (tỉnh Lào Cai) cho du khách đi từ Sài Gòn có giá 8,9 triệu đồng/người.
Về thị trường khách quốc tế, các thị trường được dự đoán tiếp tục tăng vào cuối năm chủ yếu là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á… Theo Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Nguyễn Hữu Cường, khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn du lịch nước ngoài cho các kỳ nghỉ. Để kích cầu du khách, đơn vị đã triển khai nhiều gói tour có mức ưu đãi trong dịp Tết Dương lịch, điển hình là tour Thái Lan có giá 6,99 triệu đồng/người; tour Dubai, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ có giá dao động từ 19,99 triệu đồng đến 37,9 triệu đồng/người; tour châu Âu có mức giá từ khoảng 65,9 triệu đồng đến 89,9 triệu đồng/người…
Bên cạnh đó, những tour Trung Quốc đường bộ có mức giá từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người cũng được du khách đặt nhiều ở các tuyến: Bình Biên – Kiến Thủy – Mông Tự; Lệ Giang – Côn Minh – Núi tuyết Kiểu Tự…
Đồng loạt kích cầu cuối năm
Mùa hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì) thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Trọng Tuần
Mặc dù thị trường du lịch cuối năm đang có phần “ấm” lên nhưng theo các đơn vị doanh nghiệp, do ảnh hưởng của đợt bão lũ cùng khó khăn về kinh tế nên hoạt động du lịch còn gặp nhiều thách thức. Đến nay, không ít đơn vị mới đạt được 15-30% lượng khách đặt dịch vụ.
Trước những thách thức này, nhiều địa phương phối hợp với các doanh nghiệp du lịch đồng loạt triển khai các chương trình kích cầu lớn nhằm “khuấy động” thị trường du lịch. Điển hình như tỉnh Lào Cai thực hiện chương trình kích cầu “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây” đến hết tháng 12-2024 với sự tham gia của hơn 130 đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện các gói dịch vụ giảm giá 30-50%…
Tỉnh Quảng Ninh vừa công bố chương trình kích cầu “Quảng Ninh – Điểm đến bốn mùa” đến hết năm 2024 với sự góp mặt của hơn 300 doanh nghiệp với trên 350 gói sản phẩm kích cầu có mức ưu đãi giảm giá đến 50% cho nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng phát triển sản phẩm du lịch mới như khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long; xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách hạng sang, siêu sang; tổ chức các chương trình đại nhạc hội để đón dòng khách MICE…
Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến “Thành phố Hồ Chí Minh – Chào đón bạn” năm 2024. Tại Hà Nội, để tăng sức hút cho du lịch cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh những sản phẩm du lịch mùa thu, thành phố cũng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản, di tích tại Đan Phượng, Ba Vì, Ứng Hòa…
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc, mặc dù nhiều địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du lịch thể đạt được mục tiêu đề ra.
“Để thu hút khách du lịch những tháng cuối năm, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm và tổ chức các sự kiện quan trọng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế tại Anh, Trung Quốc, Ấn Độ…”, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/du-lich/219916/%E2%80%9Ckhuay-dong%E2%80%9D-thi-truong-du-lich-cuoi-nam