Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đoàn Điện Biên đặt câu hỏi: Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Trong 9 tháng đầu năm mới đạt 8,53%, đến ngày 31/10/2024 tín dụng tăng trưởng 10,08%. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp và chỉ còn 2 tháng để đạt được chỉ tiêu theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra. Đề nghị Thống đốc cho biết, tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024. Nếu chỉ vì chỉ tiêu này mà cung quá lớn tín dụng ra thị trường thì có ảnh hưởng tới nợ xấu và khả năng hấp thụ vốn không? Thống đốc có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15% và trong chỉ thị đầu năm của Thống đốc có nêu sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến 31/10/2024 tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 10,08% so với con số khoảng 15% có vẻ thấp. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 16,5% và thường tín dụng tăng trưởng cao những tháng cuối năm, vì đấy là dịp nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Chúng tôi cho rằng, khả năng cũng có thể là đạt được khoảng 15%” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Về đẩy mạnh tín dụng có lo ngại vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách khi cho vay cần thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro phải hết sức thận trọng và cân đối nguồn vốn.
Tham gia chất vấn, ĐBQH tỉnh Tạ Thị Yên đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường do xung đột khu vực, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, với một nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, làm thế nào để có thể điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giữa tác động của các yếu tố khách quan bên ngoài và những tồn tại, hạn chế bên trong của nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng thì yếu tố nào tác động nhiều hơn tới chính sách tiền tệ? Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ứng phó chính sách đối với những thách thức này như thế nào?
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để đánh giá được tác động của quốc tế và trong nước, cái nào lớn hơn thì tương đối khó. Thực tế những năm gần đây, cả yếu tố nước ngoài và trong nước đều tác động và đặt ra thách thức rất lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ.
Quốc tế có những diễn biến chưa từng có tiền lệ như dịch Covid-19 vì thế ngân hàng trung ương các nước đã thắt chặt chính sách tiền tệ rất nhanh và mạnh, chưa bao giờ FED tăng lãi suất trên 5% trong vòng 1 năm; giá vàng lập đỉnh chưa bao giờ có; lạm phát toàn cầu của các nước tăng cao… là những diễn biến rất khó khăn, tác động ngay đối với thị trường tiền tệ, tài chính trong nước, nhất là chúng ta có độ mở cửa lớn. Trong nước, những vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện như là thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Đặc biệt, đối với hoạt động ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB vào tháng 10/2022.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong điều hành chính sách tiền tệ thì ba chỉ số quan trọng nhất là lãi suất, tỷ giá và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện điều hành rất căn cơ, đặt lên trên hết và trước hết đó là sự ổn định, an toàn của hệ thống.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/219468/dbqh-tinh-chat-van-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc