Vụ đông năm nay, gia đình bà Quàng Thị Muôn, bản Chiềng An, xã Thanh An (huyện Điện Biên) trồng gần 500m2 khoai lang. Thiếu nước tưới, diện tích khoai lang của gia đình chậm phát triển và có dấu hiệu khô héo thân, không bén rễ. Trước nguy cơ diện tích khoai lang đã xuống giống có thể mất trắng, gia đình bà Muôn đã thuê máy bơm nước từ kênh tả của Đại thủy nông Nậm Rốm lên tưới cho ruộng khoai đang nứt nẻ vì nắng hạn. Mỗi lần tưới chi phí thuê máy bơm hết 150 nghìn đồng.
Không chỉ gia đình bà Muôn, nhiều hộ khác thuộc các xã vùng lòng chảo đang chịu ảnh hưởng từ thời tiết khô hanh, thiếu nước tưới, khiến cây trồng chậm phát triển và có nguy cơ phải gieo trồng lại. Chị Lò Thị Thủy, bản Pa Pháy, xã Thanh Yên đứng ngồi không yên bởi 3.000m2 trồng củ đậu có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước. Theo chia sẻ của chị Thủy, gia đình đã đầu tư gần 8 triệu đồng tiền giống, phân bón, cải tạo ruộng… Nếu thời tiết thuận lợi, sau khoảng 4 tháng sẽ được thu hoạch củ đậu, với mỗi 1.000m2 thu được từ 2,5 – 3 tấn củ, có giá dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết nắng khô kéo dài, ruộng hạn trong nhiều tuần qua, khiến cây không thể phát triển. Khắc phục khô hạn, mấy ngày nay, gia đình cử người trực từ nửa đêm tại tuyến mương nổi để dẫn nước về ruộng và phải dùng thêm máy bơm nước từ mương lên tưới mới đủ. Do ruộng cách mương tương đối xa nên gia đình gặp khó khăn trong việc dẫn nước về ruộng. “Để cây phục hồi, tôi phải liên tục bơm nước trong vài ngày để đất ngấm đủ nước. Để cây sinh trưởng tốt, tạo củ to thì gia đình cũng bón thêm phân để tăng dinh dưỡng” – chị Thủy chia sẻ thêm.
Vụ đông năm nay, huyện Điện Biên gieo trồng trên 860ha rau màu, trong đó tập trung những loại cây ngắn ngày, đem lại hiệu quả kinh tế cao và chịu hạn tốt như ngô, khoai lang, lạc… Ngoài sự chủ động của người dân trong việc chống hạn cho cây trồng, chính quyền các xã vùng lòng chảo tăng cường phối hợp với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên điều tiết nước.
Ông Trần Quốc Duyệt, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Theo kiến nghị của các xã, Công ty đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc điều tiết nước thuộc hai kênh của Đại thủy nông Nậm Rốm. Hàng tuần, Công ty xả nước trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật, từ thứ 2 đến thứ 6 dừng cấp nước để công nhân nạo vét kênh mương. Theo ông Duyệt, việc xả nước đã có lịch cụ thể, phía người dân cũng cần sử dụng nguồn nước có hiệu quả, tình trạng khô, hạn dự báo sẽ tiếp tục kéo dài nên việc sử dụng nước tiết kiệm là rất cần thiết.
Chủ động trong công tác chỉ đạo, bà con nông dân tập trung chống hạn cho cây trồng, nên diện tích hoa màu bị hạn của huyện Điện Biên đang dần phát triển. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, thời tiết diễn biến khá phức tạp, khô hạn xảy ra trên diện rộng, người dân cần chủ động phòng chống hạn cho cây trồng. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp UBND các xã tổ chức kiểm tra công tác điều tiết nước, hệ thống hồ, đập, công trình thủy lợi, bố trí các điều kiện để đảm bảo có thể huy động máy bơm dã chiến bơm tưới nước khi cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng do hạn hán gây ra.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/219288/chu-dong-chong-han-cho-cay-trong-vu-dong-