Tham gia phát biểu ý kiến, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình, đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch Covid-19.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến năm 2024 có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 6,8-7%. Lạm phát cơ bản được kiểm soát, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng khoảng 3,88%, cả năm ước tăng dưới 4,5% là rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh một số giá dịch vụ.
“Nếu kết quả đạt được như dự báo thì năm 2024 Việt Nam là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và là một trong những nước hiếm hoi đạt được tỷ lệ tăng trưởng này trong bối cảnh thế giới vô cùng khó khăn. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận”, đại biểu Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Cân đối thu chi NSNN được đảm bảo. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép. Tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi cân đối NSNN 9 tháng ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội…
Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan toả được đưa vào khai thác. Nhiều dự án, công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm quan trọng đã được triển khai thực hiện. Đặc biệt là dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thần tốc thi công.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được quan tâm, tập trung triển khai quyết liệt với tinh thần cải cách, quyết tâm mạnh mẽ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
“Cả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đều có chuyển biến hết sức rõ rệt. Điều đó cho thấy các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2021-2026”, đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định.
Một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, khó khăn do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư công, các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chip bán dẫn mới được triển khai nên có độ trễ nhất định.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án.
“Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kilogram, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ mới thấy thật sự lãng phí”, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.
Về cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người có nhu cầu thực tế vẫn rất khó khăn do giá cả, cơ cấu chung cư nặng về nhà cao cấp, đắt tiền, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà tái định cư bỏ hoang phí trong khi tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp diễn. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở còn chậm nên chưa phát huy hết hiệu quả như cử tri mong đợi.
Ngoài ra, theo đại biểu việc chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng, trong khi nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang vướng mắc về thủ tục, chưa đưa vào khai thác chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế, cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết.
Đánh giá đúng tình hình để tìm ra giải pháp
Đại biểu nhận định, bối cảnh chung thế giới và khu vực năm 2024 đã phức tạp nhưng dự báo năm 2025 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường khi xung đột khu vực, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong khi nước ta có nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế, do đó việc dự báo chính xác để có những dự liệu, giải pháp thích ứng với biến đổi của tình hình là rất quan trọng.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023, cùng với ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.
“Thiên tai là bất khả kháng, nhưng chúng ta cũng cần đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của sự thiệt hại về người và của có liên quan đến việc quy hoạch, bố trí lại dân cư, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội miền núi, trung du, tổ chức sản xuất… Tỷ lệ số doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường cũng cần được xem xét, đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Đại biểu cho rằng, nếu nghiêm khắc đánh giá đúng tình hình sẽ giúp chúng ta sớm tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại, đồng thời tạo sự đồng thuận trong nhận thức, cũng như sự tin tưởng của nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tập trung nguồn lực, đoàn kết xây dựng đất nước, đưa nước ta bước vào một “kỷ nguyên mới” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua”, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/219101/viet-nam-la-diem-sang-ve-phat-trien-kinh-te-nam-2024