Gieo “hạt giống đỏ” cho Đảng
Một vai gánh 3 trọng trách vừa là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản vừa là NCUT, ông Lường Văn Chung (dân tộc Kháng), bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) luôn trăn trở: Làm thế nào để “măng mọc” trước khi “tre già”? Làm thế nào để phát triển nguồn đảng viên chất lượng?
Trong ngôi nhà sàn cổ kính, ông Lường Văn Chung bộc bạch: Để tăng sức mạnh cho chi bộ và xây dựng đội ngũ đảng viên kế cận tại chỗ, tôi và những đảng viên tâm huyết đã trực tiếp xuống từng hộ dân, động viên họ cho con em đến lớp học chữ. Tích cực hỗ trợ người dân khai hoang, mở đất phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm ở địa phương, để quần chúng không phải ly hương, nhất là lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới ra trường… Tiến hành rà soát nguồn phát triển đảng, lựa chọn những nhân tố tích cực, tiêu biểu tham gia các hoạt động xã hội để dìu dắt, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Nhờ đó mà từ chỗ ít đảng viên khi mới thành lập nay bản Nà Hỳ 1 đã có 23 đảng viên. Đội ngũ đảng viên phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ thôn, bản.
Từ “hạt giống đỏ”, chị Lèng Thị Duyên được Chi bộ bản Nà Hỳ 1 giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp Đảng đã thực sự “nảy mầm”. Không chỉ là tấm gương sáng về phát triển kinh tế với mô hình kinh doanh hoa quả, thu mua, chế biến sắn… cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, chị còn được chị em tín nhiệm bầu là chi hội trưởng phụ nữ bản. Chị Duyên chia sẻ: “Đã là đảng viên thì mình phải gương mẫu để chị em làm theo”. Từ nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo chị Duyên đã xây dựng phong trào hội vững mạnh; tích cực vận động chị em hăng hái lao động sản xuất, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng lạc đỏ (4.000m2); huy động ngày công lao động giúp phụ nữ khó khăn vươn lên thoát nghèo (tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo trong bản giảm còn 3/48 hộ).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Dù là huyện mới thành lập nhưng công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS ở các xã biên giới tại huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Huyện ủy đã tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, NCUT trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; tạo nguồn phát triển đảng viên. Hiện nay, huyện đã xóa thành công bản “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên, với tổng số 3.121 đảng viên; trong đó, 2.587 đảng viên là người DTTS (chiếm 82,9%).
“Cánh tay nối dài”của cấp ủy, chính quyền
Già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào các DTTS nói chung, DTTS ở các xã biên giới nói riêng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Bằng uy tín, trách nhiệm của mình, họ đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Trong ký ức của già làng, NCUT Hù Chà Thái, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé), người Si La (dân tộc rất ít người) vốn chỉ quen sống với núi rừng, nay đây mai đó, phó mặc cuộc sống vào thiên nhiên. Để ổn canh, ổn cư, xây dựng cuộc sống mới, từ chủ trương của tỉnh, huyện, ông đã tiên phong, vận động nhân dân rời đỉnh núi Tá Phì Chà về lập bản bên suối Nậm Sin.
Sau khi ổn cư, từ chỗ chỉ biết chọc lỗ, tra hạt trên nương, già Thái đã mở đầu cho cuộc cách mạng trồng lúa nước ở mảnh đất nghèo khó này. Già Thái kể: “Dòng suối Nậm Sin cho nguồn nước dồi dào, mình đã tự đi khai hoang, tận dụng các khe suối đắp các đập nhỏ, khai mương dẫn nước về ruộng để làm lúa nước. Ban đầu chỉ vài trăm mét vuông, rồi diện tích lúa nước hai vụ cứ thế tăng lên hơn 3.000m2, cho thu hoạch gần 100 bao thóc/năm”. Từ đó, gia đình già Thái đã có của ăn của để.
“Nhà mình no cái bụng không chưa đủ, phải biết nghĩ đến đồng bào mình, bản mường mình cùng no…”. Từ việc già Thái đi cùng, làm cùng, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con mà diện tích lúa nước của bản cứ thế được mở rộng. Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của bản khoảng 30ha; trong đó, 20ha trồng lúa nước, 1,2ha ao nuôi cá, trồng sa nhân… đã góp phần nâng sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt trên 360kg/năm. Từ đây cuộc sống người Si La đã ấm no, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; hầu hết các gia đình đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa kiên cố, mua sắm được tivi, xe máy. Tiêu biểu như hộ: Lỳ Chà Che, Lỳ Chà Có, Hù Chà Bình…
“NCUT trong đó có những người là già làng, trưởng bản được Đảng ta xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là cầu nối gắn kết “ý Đảng lòng dân”, là những tấm gương để người dân ở cơ sở vững tin theo Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã biên giới tỉnh Điện Biên tiềm ẩn yếu tố phức tạp. NCUT sẽ là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung tìm cách tác động. Chính vì thế, tỉnh Điện Biên rất chú trọng đến việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh” – ông Vũ Văn Công, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết.
Biên cương bừng sáng
Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng – an ninh vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chung tay, góp sức của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT nơi biên cương cực Tây Tổ quốc đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, toàn diện góp phần đưa các xã biên giới phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh. Hiện nay, toàn tỉnh có 16/29 xã biên giới đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (6 xã đạt chuẩn nông thôn mới); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,67%; 232 bản đạt danh hiệu bản văn hóa với 18.537 gia đình văn hóa.
Về Thanh Chăn hôm nay, là xã về đích nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Điện Biên, không khí rộn ràng, nhịp sống tươi trẻ tràn ngập khắp bản làng. Các công trình điện – đường – trường – trạm được đầu tư xây dựng kiên cố; những ngôi nhà sàn, nhà xây mọc lên khang trang bên cạnh đường bê tông sạch đẹp, cánh đồng lúa xanh ngút tầm mắt, tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui.
Thanh Chăn như khoác lên mình chiếc áo mới với 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; không còn nhà tạm, nhà dột nát. Cuối năm nay, có 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; nâng tổng số thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu lên 14/16 thôn, bản. Thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2% (năm 2023).
Nét mặt rạng ngời, ông Cà Văn Phương, Trưởng bản Co Mỵ chia sẻ: “Người dân phấn khởi lắm! Nhờ NTM mà đời sống ngày càng khởi sắc, ấm no, đủ đầy hơn. Vùng đất gian khó ngày nào giờ đã là vùng quê trù phú”.
“Công cuộc xây dựng NTM đã thổi luồng sinh khí mới giúp người dân cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều công trình công cộng đã in đậm dấu ấn của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT và nhân dân khi họ tự nguyện nhường một phần tài sản; chung tay xây dựng Thanh Chăn ngày càng giàu đẹp, phát triển, đời sống ấm no hơn” – ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn phấn khởi cho hay.
Dải biên cương cực Tây hôm nay bừng sáng với thanh âm nhịp sống tươi mới, no ấm. Hòa trong nhịp sống đó là tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT đã cống hiến hết mình vì cuộc sống cộng đồng. Dù ở cương vị nào họ vẫn luôn có chung “mạch nguồn sống” là cầu nối giữa Đảng với bản làng, với đồng bào mình; giúp bà con “sáng cái đầu, ấm cái bụng”. Họ tự hào vì là những “người con của Đảng”, còn mỗi người dân thì luôn tự hào khi Đảng và bản làng có họ.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218843/nhung-diem-tua-cua-ban-lang-bien-gioi-dien-bien-bai-4