Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh.
Đồ án Quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045 được tổ chức lập trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng đô thị TP. Điện Biên Phủ, bám sát vào nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nội dung định hướng không gian phát triển, quy hoạch sử dụng đất đai, thiết kế đô thị, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế địa phương. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 306,58km2, tổng quy mô dân số 86.003 người (số liệu niên giám thống kê TP. Điện Biên Phủ năm 2023) với 12 đơn vị hành chính – bao gồm 7 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 5 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).
Đề xuất tầm nhìn phát triển TP. Điện Biên Phủ trở thành “Thành phố du lịch văn hóa – lịch sử quốc gia”. Phát triển thành phố với trọng tâm là du lịch, dịch vụ; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử, văn hóa, xã hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch vui chơi giải trí và thể thao. Phát triển TP. Điện Biên Phủ trở thành điểm đầu, cửa ngõ của các hành trình du lịch quốc tế đến “Miền Tây Bắc” nói riêng và cả nước nói chung.
Cho ý kiến vào tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về Đồ án quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045, các đại biểu đánh giá: Đồ án được xây dựng góp phần phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và nguồn lực của TP. Điện Biên Phủ. Đây là cơ sở để xây dựng TP. trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, dịch vụ du lịch; là hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế toàn tỉnh.
Các đại biểu cũng trao đổi, đề nghị làm rõ về liên kết giao thông giữa TP. Điện Biên Phủ và các huyện lân cận; nghiên cứu bổ sung các tuyến giao thông mới; làm rõ thêm vị trí các trường học, y tế, gắn với phát triển đô thị. Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như: Hệ thống cấp nước, cấp điện, thoát nước thải; nhà ở xã hội; bãi đỗ xe công cộng. Về định hướng các khu dân cư, hiện nay tầng địa chất đã thay đổi nhiều, do vậy đề nghị nghiên cứu thêm về địa chất, mặt nước để bố trí các khu dân cư cho phù hợp…
Phát biểu kết luận kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường nhấn mạnh: TP. Điện Biên Phủ là thành phố của di sản gắn liền với quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; là trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng, về lâu dài phát triển thành trung tâm du lịch quốc gia; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý việc xây dựng quy hoạch TP. Điện Biên Phủ cần chặt chẽ, khoa học, toàn diện hơn; cần làm rõ thêm hiện trạng về dân số, dân cư, lao động, yếu tố dân tộc… liên quan đến việc bố trí nhà ở, bệnh viện, trường học. Quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Làm rõ thêm việc phát triển giáo dục đào tạo, hệ thống y tế, văn hóa, thể dục, thể thao; phương án di chuyển các trường cao đẳng, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố. Về định hướng phát triển đô thị cần đẩy mạnh phát triển giao thông, liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Xây dựng, cơ quan tư vấn thiết kế tiếp thu ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 4 huyện giáp ranh với TP. Điện Biên Phủ.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218664/phat-trien-tp-dien-bien-phu-tro-thanh-%E2%80%9Cthanh-pho-du-lich-van-hoa—lich-su-quoc-gia%E2%80%9D