Điện Biên TV – Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là công việc thường xuyên, lâu dài; bởi vậy, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, nhất là linh hoạt trong nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực cán bộ. Nhờ đó, không chỉ tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức mà còn góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao của đội ngũ cán bộ trên địa bàn.
Anh Hồ A Thào, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà. |
Anh Hồ A Thào là cán bộ trẻ triển vọng người dân tộc Mông của huyện Mường Chà. Trong quá trình công tác, bên cạnh việc tự học hỏi, nâng cao kiến thức anh Thào được cơ quan tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên chỉ trong thời gian ngắn đã trưởng thành.
Tháng 10/2023, khi đang là Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Chà, anh Thào được điều động làm Chủ tịch UBND xã Sa Lông. Ngay sau khi nhận quyết định, anh đã cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình từ 3-5%/năm, xã cũng đạt 17/19 tiêu chí Nông thôn mới.
Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền cấp tỉnh, huyện của tỉnh là gần 21.700 người; trong đó, công chức gần 2.000 người, viên chức trên 19.700 người.
Những năm qua, nhiều cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có triển vọng phát triển như anh Hồ A Thào đều được các địa phương trên địa bàn tỉnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công tâm để có căn cứ quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cũng như thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc được quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng.
Xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại các xã, phường, thị trấn được tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện. |
Không chỉ chú trọng trong khâu đánh giá, nâng cao trình độ, trách nhiệm, tỉnh cũng quan tâm đến việc đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ thông qua việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại các xã, phường, thị trấn.
Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong giao tiếp với công dân gồm “4 xin, 4 luôn và 5 không”. Mô hình đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, quy chế tiếp dân.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian qua, công tác cán bộ của tỉnh được thực hiện toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch cán bộ theo đúng phương châm “động” và “mở”; xây dựng, tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ công khai, đúng quy định. Chất lượng cán bộ được nâng lên, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Phương Dung – Chí Công/DIENBIENTV.VN