Điện Biên TV – Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (nay là Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Lai Châu) được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của tỉnh với nhiệm vụ: “Gây cơ sở quần chúng tạo nên điều kiện tiến tới lãnh đạo Nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai”. 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên chặng đường 75 năm, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; lãnh đạo sự nghiệp khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào; lãnh đạo Nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lúc mới chia tách tỉnh (năm 2004), Điện Biên có diện tích trên 9 nghìn km2 với dân số 440.300 người, nhưng có đến hơn 40% là hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,7 triệu đồng/người/năm. Giao thông đi lại khó khăn, chưa có đường ô tô đến trung tâm xã mà phải đi bộ mất vài ngày đường; nhiều xã chưa có điện lưới quốc gia; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đồng đều giữa các vùng. Ðội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đứng trước những khó khăn, thử thách đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, quyết tâm xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.
Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2004-2023 đạt trên 7%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng gấp gần 5 năm so với năm 2003. Thu ngân sách địa phương năm 2023 đạt trên 13.800 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2004.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Như Ý) |
Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đến nay, tỉnh Điện Biên có 72 sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 14,12 tiêu chí/xã; 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, làm thay đổi diện mạo đô thị và nhiều vùng nông thôn. Đến nay, các tuyến quốc lộ đến Điện Biên đã được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại của Nhân dân: Có 125/129 xã, có đường ô tô đến trung tâm xã đi được quanh năm; còn 4 xã chưa có đường ô tô đi được quanh năm là: Háng Lìa, Tìa Dình, Xa Dung, Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông). Hệ thống giao thông từng bước được đầu tư kết nối, liên hoàn với các tỉnh, thành phố… đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 35.922 hộ, chiếm 25,68% tổng số hộ; số hộ cận nghèo là 15.793, chiếm tỷ lệ 11,29%. Hệ thống giáo dục, y tế phát triển rộng khắp tới các thôn, bản, đảm bảo các điều kiện để người dân được học tập, chăm sóc sức khỏe toàn diện. Các thiết chế văn hóa – xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đời sống và sinh hoạt của Nhân dân.
Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, với 14 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ một Ban Cán sự Đảng (tháng 10 năm 1949) với 20 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã có 14 đảng bộ trực thuộc, 617 tổ chức cơ sở đảng (236 đảng bộ cơ sở, 381 chi bộ cơ sở) với gần 48.000 đảng viên.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đảng viên ngày càng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị từng bước đổi mới. Hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở được tập trung xây dựng, củng cố, phát triển rộng khắp, chú trọng những địa bàn khó khăn, vùng sâu, biên giới. Tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ bản bảo đảm về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với Nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Quốc phòng – an ninh được bảo đảm, thực hiện tốt chiến lược quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng và tổ chức quốc tế. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định… đã tạo môi trường thuận lợi để Điện Biên phát triển.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, biến khó khăn thành động lực, biến khát vọng thành niềm tin, biến thời cơ thành sức mạnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng; đến năm 2050 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử – văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngày càng cao. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín, có năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia của Tổ quốc; mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của tỉnh.
Đồng chí Lò Thị Minh Phượng
Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên