Điện Biên TV – Mỗi mùa mưa đến người dân các bản vùng cao Điện Biên lại phải vật lộn với đường xá. Đường bản vốn đã cheo leo, chật hẹp, mưa xuống lại trở nên lầy lội, nguy hiểm. Đường đất lên bản vùng cao mùa mưa không chỉ khó khăn mà còn tiềm ẩn những tai họa khôn lường.
Tuyến đường từ trung tâm xã Mường Nhà, huyện Điện Biên đi bản Ban, bản Hồi Hương, Khon Kén và đi sang xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông dài khoảng 20km. Tuyến đường này không quá dài nhưng còn là đường đất nên cứ mưa xuống lại lầy lội, trơn trượt. Những trận mưa lớn kéo dài suốt mấy tháng mùa mưa, khiến nước từ các khe nhỏ trên đồi cao chảy tràn xuống mặt đường cuốn theo đất đá. Mặt đường dốc cũng bị nước bào xói tạo thành những rãnh lớn. Mưa càng nhiều đất càng nhão và dễ sụt lún. Xe máy, ô tô qua lại hằng ngày vết bánh xe cày xuống mặt đường làm thành các rãnh dài và sâu. Mùa mưa xe cộ đi qua đường này khổ hơn đi bộ. Xe máy thì vừa đi, vừa đẩy. Ô tô cứ đi một đoạn lại thụt rãnh, sa lầy.
Chiếc xe ô tô của ông Nguyễn Văn Cường bị sa lầy khi di chuyển từ xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông vào xã Mường Nhà, huyện Điện Biên. |
Ông Nguyễn Văn Cường ở trung tâm xã Pú Hồng, cần đi Điện Biên lấy hàng hóa. Nếu đi đường Pú Hồng – Phình Giàng thì xa hơn và có nhiều đoạn sạt lở. Đường tắt qua xã Mường Nhà, huyện Điện Biên gần hơn nhưng lại lầy lội, trơn trượt. Biết đường đi vô cùng vất vả nhưng ông không thể không đi. Chỉ 20km nhưng xe ô tô của ông và một số người khác nữa phải đi mất 2-3 giờ mới tới được xã Mường Nhà. Xe bị sa lầy, giờ ông cùng các lái xe đang phải loay hoay tìm cách thoát khỏi rãnh sâu.
Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 6km nhưng bản Hồi Hương vẫn là bản khó khăn của xã Mường Nhà. Bản có tới trên 60% số hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Một trong những nguyên nhân khiến người dân bản Hồi Hương chưa phát triển được kinh tế là do đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Mùa mưa Tây Bắc kéo dài 3-4 tháng, bà con nông dân trong bản trồng trọt, chăn nuôi khó có thể vận chuyển hàng hóa ra ngoài bán. Thương nái cũng ngại vào bản tìm mua nông sản vào mùa này. Đời sống Nhân dân trong bản gặp nhiều khó khăn do đường giao thông quá xấu, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đi lại.
Những con đường đất trơn trượt, lầy lội là “đặc sản” mùa mưa ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên. |
Mường Nhà còn 4 bản vùng cao đặc biệt khó khăn là Hồi Hương, Khon Kén, Pha Lay, Pha Thanh, chưa có đường bê tông. Mùa mưa muốn đến với các bản này đường đi rất khó khăn. Ai từng lên bản vùng cao vào mùa mưa, phải đi qua những con đường cheo leo, trơn trượt, sạt lở mới thấu hiểu hết nỗi khó khăn về đường xá nơi đây. Toát mồ hôi vì đường khổ, không muốn đi lại vì đường xấu nhưng vì cuộc sống, vì công việc, mỗi mùa mưa người dân và cán bộ, giáo viên vùng cao vẫn phải vùng vẫy với đường.
Giáp với xã Mường Nhà là xã Na Tông. Na Tông cũng còn 4 bản đặc biệt khó khăn chưa có đường bê tông lên bản. Bản Hin Phon cách trung tâm xã Na Tông chỉ 4km. Đường lên bản vừa dốc, vừa nhỏ hẹp. Những ngày mưa con đường này vừa lầy lội vừa trơn trượt. Để đi lại người dân trong bản phải tìm nhiều cách: Tìm vật liệu kê đường hoặc tự chế các vật dụng lắp vào bánh xe để xe có thể bám đường mà đi.
Anh Mùa A Nếnh đang tự chế một dụng cụ đặc biệt để xe máy của anh có thể đi trên đường trơn và lầy lội. Chiếc lốp xe cũ được anh cắt chế, đóng đinh và bắt ốc vít theo cách sáng tạo riêng. Anh Nếnh đã thử nghiệm và thấy: Ngoài cách chế dây xích lắp vào bánh xe thì cũng có thể dùng những chiếc lốp cũ đóng đinh, ốp vào bánh xe, giúp xe đi an toàn khi đường lầy lội, trơn trượt.
Chiếc xe máy với đôi lốp tự chế của anh Mùa A Nếnh, xã Na Tông, huyện Điện Biên khá hiệu quả khi đi lại trong mùa mưa. |
Bản Hin Phon không xa trung tâm xã là bao. Những năm gần đây bà con trong bản được hỗ trợ một số giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Có đất vườn, đất nương rộng, họ khá tích cực trồng trọt, chăn nuôi mong thu nhập được nhiều hơn. Tuy nhiên, đường xá mùa mưa đi lại rất khó khăn, việc mang nông sản từ nương xuống đường lớn, xuống xã để bán bị hạn chế nhiều. Đường bản nhỏ hẹp, dốc và trơn trượt, mùa mưa đi lại vô cùng nguy hiểm. Bà con bản Hin Phon vẫn còn nhớ sự việc đau lòng từng xảy ra trên con đường này vào một mùa mưa cách đây ít năm.
Những năm gần đây hệ thống đường giao thông nông thôn tỉnh Điện Biên đang dần được đầu tư nâng cấp từ các nguồn vốn Nhà nước phân bổ. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều nên nhiều bản vùng cao vẫn chưa có đường, chưa có điện lưới. Hiện nay toàn tỉnh có hơn trên 9.600 km đường giao thông trong đó có trên 4.000km là đường giao thông nông thôn. Mỗi năm tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, đông thời vận động Nhân dân góp sức mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên đến nay toàn tỉnh vẫn còn hàng trăm con đường thôn bản chưa được nâng cấp, cải tạo. Phần lớn các tuyến đường này đều nằm trên khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới có địa hình phức tạp.
Người dân vùng cao phải liều mình qua suối bằng bè tự chế, vô cùng nguy hiểm. |
Mỗi mùa mưa đến những con đường đất lên bản vùng cao lại sụt sạt, lầy lội và trơn trượt. Ở nơi có sông suối chia cắt, khi nước dâng cao, người dân phải tự làm bè vượt suối. Muốn lên bản, người đi đường phải vượt qua những con đường vừa khó, vừa khổ, tiềm ẩn bao nguy hiểm, rủi ro. Vừa mới đây thôi, ngày 2/9 vừa qua, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại bản Pu Nhi, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông: Một phụ nữ chở hàng qua đoạn đường nhỏ hẹp, quanh co, qua đoạn sạt lở đã lao xuống vực sâu khiến chị tử vong. Được đầu tư đường bê tông rộng rãi, an toàn để đi lại luôn là mong mỏi thiết tha của người dân các bản vùng cao Điện Biên./.
Minh Giang – Huy Long/DIENBIENTV.VN