Công trình kiến trúc tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên hình thành từ giữa thế kỷ XVI có tên gọi là tháp cổ Mường Luân.
Trải qua gần 500 năm, tháp cổ Mường Luân đã trở thành một di sản văn hóa đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Quang Đạt
Tháp cổ Mường Luân là công trình kiến trúc mang nét văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại tỉnh Điện Biên. Đây không chỉ là một di tích lịch sử mà còn gắn với những câu chuyện về tình đoàn kết. Đây còn là biểu tượng của các dân tộc 2 nước Việt Nam – Lào anh em.
Theo ông Lò Văn Hạnh – Bí thư chi bộ bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, từ thế kỷ XVI, các bậc tiền nhân đã lựa chọn Mường Luân làm nơi xây dựng ngôi tháp linh thiêng này vì thế đất vô cùng độc đáo.
Chân tháp cổ Mường Luân được xây đặc, có dáng hình vuông vững chãi tọa lạc ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Đạt
“Thế đất giống như một người đang hướng về Việt Nam, tựa lưng vào đất nước Lào. Còn hình ảnh của tháp đã được ví như hình một cô gái duyên dáng, dịu hiền đứng lặng lẽ cạnh chân núi Hua Ta (núi đầu nguồn) soi bóng xuống dòng sông Mã trong xanh” – ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, câu ca dao “Hua táng keo, co táng Lao” (tạm dịch: Đầu quay về Việt Nam, lưng tựa về Lào) đã trở thành câu nói quen thuộc, thể hiện rõ tình cảm sâu nặng mà người dân dành cho ngôi tháp và cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào. Chính vì vậy, tháp được xây dựng với mong muốn cầu mong sự bình an và thịnh vượng cho cả hai dân tộc.
Phần thân tháp nổi bật nhất là hình rồng cách điệu được đắp nổi tạo thành hình số 8 kép chạy quanh cây tháp. Ảnh: Quang Đạt
Tháp Mường Luân được xây dựng theo hình bút tháp thân vuông. Bên dưới to, thu nhỏ dần lên trên. Tháp có tổng chiều cao 15m, chia làm ba phần chính: chân tháp, thân tháp và ngọn tháp. Tháp được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, vôi, vữa, cát và mật mía. Tất cả nguyên vật liệu dùng để xây tháp đều được khai thác tại chỗ.
Toàn bộ kiến trúc của tháp cũng như trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần thân tháp. Nổi bật nhất là hình rồng cách điệu được đắp nổi tạo thành hình số 8 kép chạy quanh cây tháp, 4 mặt của tháp đều thể hiện 5 cặp rồng.
Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ. Ảnh: Quang Đạt
Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ được phủ lên màu rêu phong của thời gian tạo cho tháp một nét đẹp cổ kính nổi bật trên nền xanh của núi rừng Tây Bắc.
Theo những người già ở bản Mường Luân 1, vào năm 1939 tại khu vực Mường Luân đã xảy ra trận động đất rất mạnh đã làm cho tháp bị nghiêng. Đến năm 2009, UBND tỉnh Điện Biên đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo và “chống nghiêng“ cho công trình này.
Nói về tháp cổ Mường Luân, ông Lò Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: “Qua hình dáng của tháp cùng những nét hoa văn trang trí không giống bất cứ công trình tháp nào hiện đang có tại Việt Nam. Đây là một kiến trúc tương đối đặc biệt nên nhiều nhà khoa học, khảo cổ đã lựa chọn để nghiên cứu trong hệ thống các tháp cổ tại Việt Nam”.
Di tích tháp Mường Luân được đồng bào nơi đây coi là nơi linh thiêng, nơi gửi gắm những nhu cầu về mặt tâm linh. Ảnh: Quang Đạt
Theo ông Khánh, hàng năm cứ vào những ngày đầu xuân, những chàng trai, cô gái yêu nhau và kể cả nhân dân các nơi khác quanh vùng lại tụ tập về đây để tổ chức lễ hội “Hốt Nặm” (hội té nước).
Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, tháp Mường Luân còn có giá trị rất lớn về mối tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào. Năm 1991, Tháp Mường Luân được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Quang Đạt
Nguồn: https://dulich.laodong.vn/kham-pha/thap-co-gan-500-tuoi-o-dien-bien-mang-bieu-tuong-doan-ket-viet-lao-1375807.html