Trong thời gian qua, Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, hoạt động liên kết hợp tác, góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Nhờ đó, các sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” được nhiều doanh nghiệp lữ hành tại khu vực và cả nước quan tâm xây dựng tour, giới thiệu đến du khách và trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá Tây Bắc.
Mới đây, tại TP. Điện Biên Phủ, nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã cùng ngồi lại với nhau để đánh giá lại kết quả triển khai các nội dung hợp tác trong 6 tháng đầu năm 2024 vừa qua. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Điện Biên chủ trì. Bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ – đơn vị Trưởng nhóm năm 2024 đánh giá: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhóm hợp tác đã tổ chức thành công 21/44 hoạt động, cơ bản đã thực hiện đúng nội dung và lộ trình thời gian kế hoạch đề ra. Nhờ sự chủ động, tích cực tham mưu triển khai các biện pháp triển khai có hiệu quả Chương trình hợp tác các tỉnh, thành phố đã có sự tăng trưởng về du lịch, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch đặc biệt đã tăng cường xây dựng các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm mang tính thương hiệu vùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng”.
Du khách TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu về sản phẩm giày thêu thủ công của người Hoa (Xạ Phang) tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, các tỉnh trong Nhóm hợp tác đã tích cực chủ động trong việc liên kết giữa các địa phương xây dựng, triển khai các sản phẩm liên kết phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường khách. Các thành viên trong nhóm đều xác định việc đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù và tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên thế mạnh, sự khác biệt, khả năng tranh trên thị trường và đẩy mạnh khai thác sản phẩm tour du lịch liên kết giữa các địa phương. Đến nay, các tỉnh/thành phố Nhóm hợp tác đã truyền thông, giới thiệu, quảng bá đến du khách và các doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc – Trung – Nam về tour du lịch liên kết giữa, từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh theo thỏa thuận hợp tác chung, như: Về miền Đất Tổ – Cội nguồn dân tộc, Bản Hùng Ca Tây Bắc, Hương sắc vùng cao…
Các nghệ nhân, diễn viên Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách tại Tuần lễ Văn hóa Du lịch Tây Bắc tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới với chuỗi sự kiện được tổ chức nổi bật góp phần quảng bá, giới thiệu một cách sinh động về miền đất, văn hoá, con người 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh với các tiềm năng thế mạnh, điểm đến hấp dẫn du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh, số lượng bài đăng trên các nền tảng, mạng xã hội tăng nhiều so với trước đây giới thiệu về các sự kiện của các thành viên tronh Nhóm. Hiện giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đang duy trì 2 nền tảng truyền thông. Một là Fanpage Facebook Sắc màu Tây Bắc – Thành phố Hồ Chí Minh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh quản trị. Hai là trang thông tin điện tử: https://dulichtaybac.vn/ do tỉnh Lào Cai quản trị. Theo thống kê trên trang Fanpage “Sắc màu Tây Bắc – Thành phố Hồ Chí Minh” từ ngày 1/1 – 11/6, bộ phận quản trị đã thực hiện đăng tải và chia sẻ 349 tin, bài viết kèm video clip và hình ảnh minh họa quảng bá du lịch TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thu hút hơn 31.662 lượt tiếp cận; trong đó tỉnh Điện Biên có 44 bài viết.
Nhờ có sự hợp tác hiệu quả, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch các tỉnh, thành trong Nhóm hợp tác có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt trên 50% so kế hoạch năm. Tổng lượng khách đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 39,5 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng là 19,7 triệu; lượng khách đến TP. Hồ Chí Minh là 19,8 triệu lượt. Tổng thu du lịch trong 6 tháng đầu 2024 ước đạt 124.148 tỷ đồng đạt 50.8% so với Kế hoạch năm 2024, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó doanh thu du lịch của TP. Hồ Chí Minh là 92.643 tỷ đồng, doanh thu du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc là 31.504 tỷ đồng. Riêng tỉnh Điện Biên đón trên 1,3 triệu lượt khách, tăng 2,19 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.474,1 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các thành viên trong Nhóm, chương trình liên kết hợp tác đã có nhiều đổi mới tuy nhiên chưa có bước “đột phá”, thiếu sản phẩm liên kết chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch chung của Nhóm liên kết chưa đủ mạnh để tạo sức bật cho ngành du lịch Tây Bắc. Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng đã tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và hiệu quả của Chương trình liên kết. Việc xây dựng các sản phẩm liên kết du lịch, đào tạo nguồn nhân lực giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lữ hành và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch vào cuộc mạnh mẽ. Các đơn vị doanh nghiệp du lịch chưa chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch mới, dừng lại ở việc khai thác các sản phẩm cũ, thiếu tính đổi mới và quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… Trên cơ sở làm rõ những mặt tồn tại, hạn chế đó, các thành viên trong Nhóm hợp tác sẽ nghiên cứu, tìm các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa các thành viên, góp phần thúc đẩy du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.