Tập sách Ký ức người lính.
Một hế hệ trẻ ra đời sau chiến tranh nay cũng đã trưởng thành, từng ngày từng giờ góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, nâng cao mức sống của người dân, đưa xã hội phát triển văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong cuộc sống phát triển ấy vẫn còn đó những góc khuất mà những người chưa từng biết tới chiến tranh không hiểu được.
Để có cuộc sống hôm nay lớp lớp cha anh đã phải trả bằng xương máu, các bà, các mẹ, các chị đã phải nhiều lần khóc thầm, lặng lẽ tiễn đưa người thân ra trận mà nhiều người trong đó đã mãi mãi không về.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn hằn sâu trong ký ức những người lính về một cuộc chiến sinh tử bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, vẫn còn để lại nhiều mất mát, đau thương cho biết bao gia đình. Vì lẽ đó, ý tưởng về một bộ sách “Ký ức người lính” đã được phát động từ năm 2012 với mong muốn toàn quân, toàn dân viết lại, kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những tập sách “Ký ức người lính” đầu tiên, biết bao câu chuyện cảm động, những kỷ niệm sâu sắc của các nhân chứng lịch sử – những cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều quân chủng, binh chủng trên khắp các chiến trường Bình Trị Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ… hay các chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, “Đoàn tàu không số” trên biển… đã được trải trên từng trang giấy.
Đó có thể là hồi ức của chính những người trong cuộc về các chặng đường trường chinh chống giặc ngoại xâm. Hoặc có thể là những bài viết của các tác giả sau một quá trình tìm hiểu thông tin, thu thập tài liệu kể lại câu chuyện của những chiến sĩ đã không tiếc máu xương tất cả vì tiền tuyến, những chiến công thầm lặng của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bộ sách được thực hiện trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối những tư liệu chân thực từ ký ức của những người lính.
Ra đời đã 12 năm, công trình sách “Ký ức người lính” đến nay đã xuất bản 17 tập. Các bài viết trong mỗi tập được bố cục theo trình tự thời gian, từ ký ức người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ đến ký ức về quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và Lào, thậm chí cả những ký ức người lính trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban chỉ đạo công trình “Ký ức người lính” cho rằng, “tất cả những điều được coi là bình dị trước đây nhưng có thể sẽ là vĩ đại, vô giá với hôm nay và mai sau”.
Phát động phong trào cả nước cùng viết và kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm, những chiến công, kỳ tích và những mất mát đau thương trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân, theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, “nhờ đó chúng ta sẽ có một tổng kho tư liệu vô giá, là bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến tranh ái quốc, làm tư liệu giáo dục truyền thống, phim ảnh, thơ ca, nhạc họa cho mai sau”.
Công trình sách “Ký ức người lính” mang ý nghĩa lớn trong việc truyền lửa cho thế hệ hôm nay tiếp tục sống và làm việc xứng đáng với thế hệ đi trước, tiếp nối hào quang chủ nghĩa anh hùng để viết tiếp trang sử vàng của dân tộc.
Không chỉ làm phong phú thêm kho tư liệu lịch sử về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, bộ sách “Ký ức người lính” còn là sự tri ân của những người đang sống hôm nay với các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/217017/nhung-tap-sach-truyen-lua-cho-the-he-hom-nay