Tại buổi tổng duyệt, nội dung chương trình nghệ thuật chào mừng, nghi lễ chào cờ, khai mạc, điều hành phát biểu, trao tặng quà… được chạy thử, các đại biểu xem và cho nhận xét, góp ý để điều chỉnh phù hợp, ý nghĩa.
Nhiều đại biểu cho ý kiến về chương trình nghệ thuật, tập trung vào các vấn đề: Tăng ánh sáng sân khấu; hình ảnh, đồ họa khi diễn ra ca khúc và trang trí sân khấu chỉn chu, đầy đủ hơn; trang phục biểu diễn phù hợp, gắn với các tiết mục, văn hóa địa bàn; các tiết mục cần cảm xúc và hào hùng hơn nữa xứng tầm với chiến thắng Điện Biên Phủ…
Với nội dung này, bà Tạ Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo: Chương trình nghệ thuật cần biên tập cô đọng, sâu sắc, cảm xúc, thời lượng 30 phút. Làm sao để sau khi chương trình kết thúc thì tinh thần, hào khí Điện Biên vẫn còn kéo dài, dẫn truyền cảm xúc, kết nối các thế hệ. Vì thế các tiết mục cần có sự điều chỉnh như các đại biểu đã góp ý, cần có sự đầu tư, tập trung hơn nữa; ca sĩ, diễn viên đặt cảm xúc vào, coi mình như một người chiến sĩ năm xưa, hòa mình vào không khí hướng tới ngày 7/5 lịch sử… Chiều ngày 16/4 sẽ chạy thử lại chương trình.
Bà Tạ Thị Bích Châu lưu ý bổ sung các vật dụng trang trí hội trường; vệ sinh hội trường sạch sẽ; phân công chu đáo trong đón tiếp, dìu đỡ các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; lên danh sách cụ thể cho những thanh niên tình nguyện chuẩn bị ghế ngồi cho đại biểu khi lên nhận quà, hướng dẫn, hỗ trợ các cụ lên sân khấu, bê tặng quà…
Chương trình chính thức diễn ra sáng ngày 17/4, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên. Với sự tham gia của hơn 140 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của các tỉnh, thành phố gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, và TP. Hồ Chí Minh. Đây là chương trình ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.