NDO – Với công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo, hệ thống trưng bày được nâng cấp, hiện đại hóa, cùng bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” – bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trở thành điểm đến hấp dẫn khó bỏ qua trong hành trình trở lại chiến trường xưa, khám phá xứ sở hoa ban. Càng gần đến Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đoàn tham quan, lượng khách ghé thăm bảo tàng ngày càng tăng
Khách tham quan bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. |
Phát huy giá trị tài liệu, hiện vật
Trước khi là hướng dẫn viên bảo tàng, Cao Thị Nữ là cô giáo dạy môn tự nhiên nhưng đam mê lịch sử. Cô tìm tòi, sưu tầm những câu chuyện cảm động từ sách báo, nhân chứng để nội dung thuyết minh phong phú, sinh động, dốc bầu nhiệt huyết khơi gợi cảm xúc, tâm nguyện lan tỏa những năm tháng hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa với khách tham quan.
Tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thấm thía hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ là cảm nhận chung của mỗi con dân đất Việt tới bảo tàng. Các cựu chiến binh trào dâng niềm xúc động qua từng bức ảnh, hiện vật, hào hứng kể lại những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Một đoàn khách từ thành phố mang tên Bác từng biết về chiến thắng Điện Biên Phủqua sách báo, khi nghe hướng dẫn viên kể câu chuyện tấm gương anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, lá thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng có con là liệt sĩ, những giọt nước mắt đã tuôn rơi.
“Cảm tưởng như đang hòa mình, chứng kiến trước mắt những năm tháng chiến đấu cam go mà hào hùng của ông cha ta, các họa sĩ khắc họa rất chân thực, sống động giúp tôi trân trọng hơn giá trị của hòa bình”, bà Nghiêm Thị Vân ở Kim Bảng (Hà Nam) thốt lên khi xem bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đến thăm bảo tàng nhiều lần, một vị khách người Pháp chia sẻ lần này vẫn vẹn nguyên cảm xúc, thấu cảm những tổn thất trong chiến tranh và bình yên của vùng đất hoa ban tươi đẹp đậm đà bản sắc cùng những con người thân thiện bảy thập kỷ sau cuộc chiến lùi xa.
Thay đổi tư duy, phong cách phục vụ, đón tiếp tận tụy, chu đáo, thân thiện để mỗi khách tới bảo tàng luôn cảm thấy hài lòng là điều tâm niệm với mỗi cán bộ, nhân viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nếu như trước đây, khi đoàn khách đông đăng ký mới bố trí hướng dẫn viên, nay chỉ một vài người có nhu cầu cũng được đáp ứng, không để “khách vào xem ra bảo không biết gì”, Giám đốc Vũ Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.
Để hoạt động bảo tàng đáp ứng kịp thời xu thế phát triển, hội nhập trong giai đoạn mới, tập thể viên chức, người lao động nỗ lực đổi mới sáng tạo, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, làm tốt công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng quảng bá, chuyển đổi số… được chú trọng cùng nhiều giải pháp, sáng kiến được áp dụng, mang lại giá trị, hiệu quả thực tiễn. Để đáp ứng và huy động tối đa nguồn nhân lực phục vụ chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch quốc gia Điện Biên-2024, Bảo tàng tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh, tăng cường lực lượng tham gia phục vụ đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan.
Nhằm tạo sự đa dạng, phong phú thu hút khách tham quan, hằng năm Bảo tàng sưu tầm, trưng bày, bổ sung các tài liệu, hiện vật tiêu biểu (hiện có gần 7 nghìn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, hiếm), nổi bật trong năm 2023 trưng bày hai sưu tập “Súng của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Vỏ đầu đạn pháo 105mm”, tổ chức và phối hợp tổ chức một số cuộc triển lãm ảnh chuyên đề: “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”; “Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ”; “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, văn hóa và du lịch”, “Từ Điện Biên Phủ năm 1954 đến Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972”…
Khách tham quan triển lãm ảnh tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. |
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số là phương thức hữu hiệu để kiểm kê khoa học, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài liệu hiện vật, nâng cao chất lượng phục vụ và quảng bá hữu hiệu, bảo tàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từ ngày 5/3, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi, quét mã QR, khách tham quan Bảo tàng có thể nắm bắt toàn bộ thông tin giới thiệu nội dung bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp.
Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được triển khai với nhiều hình thức: trưng bày triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh, tại các trường học, đa dạng hóa các hoạt động tương tác, trải nghiệm phục vụ các đối tượng khách tham quan giúp hoạt động bảo tàng gần hơn với đời sống. Nhiều học sinh tham gia chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” bày tỏ phấn khởi khi được mặc quần áo bộ đội, đẩy xe đạp thồ, tự nấu các món ăn thời xưa, nắm cơm, giã lạc…; các thầy cô giáo đánh giá cao cách làm hay, sáng tạo, tạo hứng thú trong tiếp cận, học tập môn lịch sử. Với sự hỗ trợ tích cực của bảo tàng, cán bộ, nhân viên Tập đoàn Masan từ thành phố Hồ Chí Minh về Điện Biên hào hứng tham gia trải nghiệm đào hào giao thông, nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, sống lại năm tháng gian khổ mà tràn đầy khí thế lạc quan.
Học sinh tham gia chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên”. |
Dịch Covid-19 cũng tạo cú hích cho bảo tàng chủ động tăng cường quảng bá, “tiếp thị” rộng rãi, không thụ động chờ khách tới tham quan. Những thông tin, hình ảnh, video về hoạt động của bảo tàng, các sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ xuất hiện không chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng mà còn qua fanpage, mạng xã hội: facebook, zalo, youtube… Hiệu quả phối hợp tổ chức chương trình tham quan trực tuyến (tourday online), các triển lãm ảnh chuyên đề lưu động tại một số tỉnh, thành phố bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, nhiều bảo tàng đăng ký triển lãm chuyên đề tại xứ sở hoa ban trong năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024.
Trong khi không ít bảo tàng còn vắng khách, trầm lắng, lượng khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tăng hằng năm, từ 2018 đến 2022 thu hút 1.532.070 lượt người, năm 2023 có 155.686 lượt khách, thu phí hơn 6 tỷ đồng. Đó là những con số ấn tượng minh chứng cho hiệu quả hoạt động. Cao điểm nhất ngày Quốc khánh, Bảo tàng đón tới 22.000 lượt người, phải nhờ lực lượng công an trợ giúp phân luồng, cán bộ tăng ca, căng sức làm việc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tham quan Bảo tàng. |
Nỗ lực đổi mới, thu hút khách tham quan
Tận dụng thế mạnh, phát huy tối đa nội lực, thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế nhằm chủ động khắc phục, đưa bảo tàng trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị, công trình văn hóa trọng điểm, điểm du lịch hấp dẫn, vui chơi giải trí tích cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên là hướng đi trong thời gian tới. Nhiều nội dung trưng bày đã cũ, không bắt kịp với xu thế trưng bày hiện đại, chưa tạo sự hấp dẫn, mới mẻ đòi hỏi sớm nâng cấp, hiện đại hóa; cần đầu tư nâng cấp hệ thống điện, quan tâm bố trí nhân lực chuyên môn điều hành hệ thống công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử, âm thanh, ánh sáng… phục vụ quản lý, vận hành, phát huy giá trị bức tranh panorama sau thời gian hoạt động thử nghiệm.
Tăng cường quảng bá, truyền thông, trưng bày triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh; mở rộng địa bàn sưu tầm trong cả nước, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, trải nghiệm tại bảo tàng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng ban đêm tòa nhà bảo tàng làm nổi bật kiến trúc độc đáo, chủ động phục vụ cả ban đêm khi lượng khách đông là những nỗ lực của bảo tàng hướng tới đổi mới, đa dạng hóa hoạt động. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trưng bày như thuyết minh tự động (autoguide), cây tra cứu thông tin hiện vật theo các phần trưng bày chủ đề, tham quan Bảo tàng 3D (tham quan ảo), chiếu phim 3D về “Chiến dịch Điện Biên Phủ” và “Điện Biên – Đất và người” kết hợp với 3D mapping giúp công chúng tiếp cận mới mẻ hơn.
Theo lộ trình trong 5 năm tới, Bảo tàng tăng dần mức tự chủ, vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị vừa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách, góp phần tăng nguồn thu và đóng góp ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên. Trên tinh thần cầu thị học hỏi, tiếp thu, lắng nghe để điều chỉnh phù hợp, nhiều ý tưởng đã được đề xuất như xây dựng phòng đọc sách cho các đối tượng nghiên cứu sâu, phòng vẽ tranh dành cho thiếu nhi, tại sân bảo tàng tổ chức các hoạt động trải nghiệm tương tác, giao lưu văn hóa văn nghệ, bố trí không gian check in phục vụ du khách, tăng cường giới thiệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cho khách nước ngoài…
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa được xếp hạng II, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba là niềm vinh dự, động lực to lớn để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng từ năm 2012 và khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan từ ngày 5/5/2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Không chỉ là một thiết chế văn hóa, công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh Điện Biên, nơi lưu giữ, trưng bày phát huy những giá trị của các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng là công trình văn hóa tiêu biểu, địa chỉ đỏ tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử và là điểm du lịch của tỉnh Điện Biên. Hoạt động của bảo tàng luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Điện Biên, các cấp các ngành, sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuấn Anh