Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Tủa Thàng là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh và là căn cứ cách mạng đầu tiên của huyện Tủa Chùa. Trong thời kỳ đó, nơi đây đã có hàng nghìn người dân tình nguyện trở thành liên lạc, dẫn đường cho cán bộ Việt Minh hoạt động cách mạng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng Tủa Thàng gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi chiến tranh. Người dân sống phải lên rừng đào củ mài để ăn. Cuộc sống khó khăn song nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Tủa Thàng đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, chung sức kiến thiết quê hương. Đến nay, vùng căn cứ cách mạng năm xưa đã từng bước chuyển từ tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa, nhiều ngành kinh tế mới được mở ra góp phần phát huy thế mạnh về tiềm năng của địa phương. Đời sống của người dân cơ bản ổn định, nhiều hộ đã vươn lên khá giả; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã trên con đường bê tông kéo dài về đến từng thôn, bản, qua những ruộng lúa, nương ngô xanh mơn mởn, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng Cà Văn Phiến cho biết: Từ trong hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, cán bộ, nhân dân Tủa Thàng đã phát huy truyền thống cách mạng, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương vững bước đi lên trên con đường đổi mới. Đảng bộ, chính quyền xã Tủa Thàng xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xóa các thôn, bản trắng đảng viên, chi bộ… Điển hình như: Nghị quyết mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo phát triển kinh tế; nghị quyết phát triển vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi…
Trên cơ sở các nghị quyết chuyên đề, căn cứ vào điều kiện thực tế, xã Tủa Thàng đang tập trung quy hoạch thành các vùng chuyên canh, như: Vùng chăn thả gia súc tại thôn Tà Huổi Tráng 2, Làng Vùa; vùng chuyên cây lúa nước tại thôn Huổi Trẳng, Tà Si Láng 1, Tà Si Láng 2; vùng chuyên nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại thôn Huổi Trẳng… Qua đó đã khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Điển hình như tại thôn Huổi Trẳng, đời sống người dân ngày càng nâng cao nhờ phát huy được lợi thế “cận giang” để phát triển 42 hộ nuôi cá lồng với 170 lồng cá trên mặt nước sông Đà; năng suất trung bình đạt 30 – 35 tấn/năm. Nhiều hộ dân thu lợi nhuận khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi cá lồng.
Trong phát triển chăn nuôi, số lượng gia súc, gia cầm tăng theo từng năm. Đến nay, tổng đàn gia súc gần 7.700 con và đàn gia cầm trên 34.400 con. Nhiều mô hình, trang trại chăn nuôi được thành lập và đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trang trại nuôi gia súc của anh Quàng Văn Thơi, thôn Tà Huổi Tráng 2. Trước đây, gia đình anh Thơi là một hộ nghèo của thôn. Năm 2018, anh Thơi vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống trâu, bò về nuôi. Đến nay gia đình anh Thơi luôn duy trì trên 20 con trâu, bò; có nguồn thu nhập ổn định, thoát khỏi hộ nghèo và vươn lên thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Tủa Thàng.
Chiến tranh đã lùi xa, mỗi năm trôi qua lại thêm một lần Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Tủa Thàng tô đậm thêm vào lịch sử vẻ vang của quê hương với nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước. Hiện nay diện tích cây lương thực có hạt của xã là 745ha, sản lượng đạt 2.481 tấn; lương thực bình quân 422kg/người/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn xã đạt 12/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,4%; giao thông nông thôn được xây dựng cơ bản, xe ô tô đi lại thuận tiện. Đời sống của người dân được cải thiện rõ nét từ vật chất đến tinh thần. Sự đổi thay của vùng quê cách mạng Tủa Thàng hôm nay có được bởi sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là nền tảng để Tủa Thàng viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới.