Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn gần 37%; số tiêu chí NTM bình quân của cấp xã đạt khoảng 14 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn Điện Biên đang đổi thay và khởi sắc. Tuy nhiên, khi rà soát lại chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, vấn đề đặt ra là thách thức giữ chuẩn NTM bởi nhiều xã không đạt chuẩn NTM. Khó khăn nhất là tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở vật chất, văn hóa, các xã đều khó đạt và khó giữ chuẩn.
Ngoài thách thức giữ chuẩn, việc một số huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà chưa có xã đạt chuẩn NTM cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Thực tế xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành cần chủ động vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tranh thủ nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án cải thiện hạ tầng nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, đời sống vươn lên thoát nghèo.
Với quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, tỉnh Điện Biên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động các gia đình, thôn bản chung sức xây dựng NTM. Kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh xác định rõ mục tiêu, giải pháp, phân công nhiệm vụ thực hiện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã đạt NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, 650 thôn bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Trong đó TX. Mường Lay phấn đấu là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Triển khai kế hoạch, mỗi địa phương căn cứ tình hình thực tế tham gia xây dựng nông thôn mới trước hết từ những việc chưa cần phải đóng góp kinh phí như vệ sinh môi trường, giữ nếp sống văn hóa…
Trong phát triển kinh tế, các địa phương tìm hiểu, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết sản xuất – tiêu thụ, nâng cao thu nhập; sản xuất theo hướng tập trung. Huyện Điện Biên với cánh đồng Mường Thanh đã nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lúa nhằm nâng cao sản lượng, giá trị cây lúa trên địa bàn. Đồng thời, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng hóa mô hình tạo sinh kế cho bà con. Nhiều trang trại, gia trại trồng cây chuyên canh đã xuất hiện trên địa bàn huyện giúp bà con tiếp cận phương thức sản xuất mới, nâng cao thu nhập. Với huyện Tuần Giáo, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây mắc ca phát triển. Khai thác lợi thế này, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển diện tích đất kém năng suất sang trồng cây có giá trị kinh tế cao với việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca. Huyện đã tập trung nguồn lực các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để trồng mới mắc ca tập trung tại các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông… Hiện nay toàn huyện Tuần Giáo có gần 1.000ha mắc ca cho thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 3.000 tấn quả tươi năm 2023. Tại huyện Nậm Pồ, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn triển khai mô hình trồng rau củ quả sạch, chất lượng cao, liên kết tiêu thụ nông sản ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến, tích cực tham gia xây dựng NTM qua việc hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Song tiêu chí về thu nhập là thách thức Điện Biên khó thực hiện bởi tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện sản xuất khó khăn. Trong khi đó bộ tiêu chí về nông thôn mới tiếp tục nâng mức chuẩn cao hơn đối với các tiêu chí, mức thu nhập cũng tăng lên khiến các xã càng khó thực hiện. Những xã có điều kiện thuận lợi hơn đã phấn đấu đạt NTM còn lại các xã đều có xuất phát điểm thấp, dân trí không đồng đều, thiếu đất sản xuất, khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn tới khó nâng cao thu nhập. Thực tế xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra tình trạng một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương “bằng lòng, thỏa mãn” với kết quả đạt được; thiếu quyết tâm phấn đấu những tiêu chí chưa đạt nông thôn mới. Việc xây dựng NTM cần nhiều kinh phí trong khi nguồn lực thực hiện các mục tiêu của chương trình được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và việc huy động nội lực từ sức dân tham gia đóng góp gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của thách thức xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gồm cả chủ quan và khách quan song cần xác định giải pháp, tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cấp ủy, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị tham gia, nâng cao vai trò trách nhiệm người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình, điển hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay về nông thôn mới. Chính quyền kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai hiệu quả các nội dung, tiêu chí nông thôn mới; đặc biệt là xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng, nâng cao thu nhập người dân nông thôn.