Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tổng kế hoạch vốn các chương trình MTQG được giao năm 2023 là 2.193,872 tỷ đồng, đã hoàn thành phân bổ chi tiết 2.177,311 tỷ đồng (đạt 99,2% kế hoạch vốn giao). Tỷ lệ giải ngân vốn đạt 1.519,477 tỷ đồng (69,78% kế hoạch vốn). Năm 2024, tỉnh đã hoàn thành phân bổ chi tiết 2.005,982 tỷ đồng (đạt 95,2% kế hoạch), trong đó: Vốn đầu tư phát triển 1.229,659 tỷ đồng (đạt 92,43 %); vốn sự nghiệp 776,323 tỷ đồng, đã phân bổ 100%. Tổng số vốn đã giải ngân 3 tháng đầu năm là 78,485 tỷ đồng, đạt 3,91% kế hoạch (vốn đầu tư đạt 6,3% và vốn sự nghiệp đạt 0,08%).
Triển khai các chương trình MTQG đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi tại tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chương trình vẫn còn nhiều điểm hạn chế, vướng mắc như: Số lượng văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức thực hiện nhiều, có nội dung chưa thống nhất; đầu tư xây dựng công trình, dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần thực hiện nhiều quy trình, thủ tục nên mất nhiều thời gian. Công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cấp xã còn khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu các huyện, thị xã, thành phố đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG; trồng quế trong diện tích quy hoạch rừng sản xuất, phòng hộ; hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới thông minh. Đối với các khó khăn hiện hữu, UBND cấp huyện đề nghị UBND tỉnh tổ chức họp bàn, giải quyết dứt điểm để các huyện có cơ sở triển khai.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo đề ra 8 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các chương trình MTQG, như: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương; đa dạng hóa các nguồn lực (nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ); thực hiện lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức đến mọi cấp, ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp chủ đầu tư cho cấp xã, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát. UBND cấp huyện tập trung nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư.
Các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các chương trình MTQG có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo triển khai có hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ và đạt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện. Các ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 111/2024/QH15 và văn bản số 796/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại, tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dự án hỗ trợ sản xuất trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.