9 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10.532,98 tỷ đồng, tăng 8,87% so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng vượt so với kịch bản tăng trưởng điều chỉnh 1,57 điểm %; tuy nhiên khu vực công nghiệp xây dựng không đạt so với mục tiêu (thấp hơn 3,95 điểm %). Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đến ngày 31/8/2023 là 1.729.503/4.624.531 triệu đồng (đạt 37,40% kế hoạch vốn giao); vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 là 278.101/617.450 triệu đồng (đạt 45,04%). Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu kế hoạch như: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh… Tỷ lệ giảm nghèo đạt thấp (giảm 1,8% – không đạt kế hoạch đề ra).
Phiên họp đã tập trung thảo luận các giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội; giải pháp thu ngân sách, thúc đẩy đầu tư công trên địa bàn tỉnh; quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường. Xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Hiện nay, khó khăn vướng mắc lớn nhất chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm: Dự án đường động lực, dự án quản lý đa thiên tai khu vực sông Nậm Rốm, đường tránh sân bay… Chậm giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.
Đối với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm hết sức nặng nề, để đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, các sở ngành, địa phương cần xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp, bám sát văn bản của HĐND, UBND đã được ban hành, và theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trọng tâm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt phấn đấu tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghiệp; có kế hoạch đón đầu lĩnh vực dịch vụ, du lịch khi sân bay hoạt động trở lại vào tháng 12/2023. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò người đứng đầu, cần sâu sát, quyết liệt hơn. Tăng cường nhân lực cho công tác giải phóng mặt bằng, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ trách nhiệm, thực hiện điều chuyển xử lý cán bộ né tránh, sợ sai không dám làm. Yêu cầu nhà thầu tư vấn, xây lắp lập biểu đồ tiến độ thi công, nghiệm thu giải ngân kịp thời… Đơn vị, địa phương nào trả lại nguồn vốn cần xem xét xử lý trách nhiệm. Đổi mới phương pháp làm việc gắn với cải cách hành chính công vụ. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phiên họp cũng thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung tờ trình: Quy định phân công, phân cấp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; Nghị quyết quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ tốt nghiệp sau đại học trên địa bàn tỉnh…
Phiên họp lần này, UBND tỉnh gửi phiếu xin ý kiến các ủy viên UBND tỉnh 4 nội dung: Quyết định quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh; Quyết định thay thế Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 28/3/2018 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục đào tạo nghề, mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm đối tượng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; Ban hành quy định mức bồi thường thiệt hại đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.