Dịp đầu năm 2023, ông Lỳ Lò Lu, bản Cà Là Pá 1, xã Leng Xu Sìn đã phá trên 1.400m2 rừng sản xuất. Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện, ông Lu đã bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song việc phá rừng là trái pháp luật nên ông Lu đã chấp hành nộp phạt hành chính theo quy định. Đây là bài học đối với ông Lu cũng như người dân địa phương; bởi vì không phải cứ thiếu đất sản xuất là có quyền xâm phạm vào đất rừng để làm nương. Trường hợp phá rừng của ông Lu chỉ là một trong số 18 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra thời điểm 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng chức năng mới tiến hành điều tra, xác minh được các đối tượng vi phạm của 4 vụ việc; còn 14 vụ việc chưa xác minh được đối tượng vi phạm nên đã khởi tố vụ án, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện.
Không chỉ các vụ phá rừng trái pháp luật mới bị xử lý mà các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống cháy rừng cũng bị xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cũng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; gây thiệt hại trên 1.700m2 rừng sản xuất và bị xử phạt hành chính với số tiền 25 triệu đồng.
Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 10 vụ phá rừng trái pháp luật, tính chất phá rừng phức tạp dẫn đến khó khăn trong việc ngăn chặn cũng như điều tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân chủ yếu do đồng bào dân tộc sống ven rừng và xen lẫn với rừng có số lượng bản lớn, bên cạnh đó trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vì vậy việc canh tác nương của nhân dân đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Nhiều chủ rừng không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao, một số chủ rừng, tổ đội tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng thiếu trách nhiệm trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khi biết rừng bị phá không ngăn chặn, không báo cáo người có thẩm quyền, không phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, dẫn đến việc ngăn chặn và xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé đã vào cuộc để kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm đến các quy định Luật Lâm nghiệp, từ đó góp phần răn đe người dân trên địa bàn để họ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện phát hiện 29 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó có 18 vụ phá rừng trái pháp luật thì Hạt đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý hình sự 09 vụ và ra quyết định khởi tố vụ án chuyển cơ quan cảnh sát điều tra; xử lý hành chính 09 vụ. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định 2 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng, gây cháy rừng; 2 vụ việc vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản; 5 vụ việc vi phạm vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 1 vụ vi phạm tàng trữ lâm sản trái pháp luật và 1 vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 186 triệu đồng và đã thu được hơn 100 triệu đồng. Với sự vào cuộc xử lý quyết liệt của đơn vị và cơ quan chức năng, nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương đã hạn chế đáng kể.
Thiết nghĩ, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì các biện pháp “mạnh tay” xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng là giải pháp rất thiết thực. Từ các vụ việc xử phạt, khởi tố các đối tượng vi phạm sẽ mang lại những bài học đáng giá cho những ai có ý định xâm hại gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.