Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2021, chính quyền Taliban đã tuyên bố sẽ xóa sổ hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp ở Afghanistan. Vào tháng 4.2022, Taliban đã cấm trồng cây anh túc, loại cây dùng để sản xuất thuốc phiện (nha phiến) và heroin (bạch phiến).
Theo AFP, báo cáo của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho thấy diện tích trồng cây anh túc (còn gọi là cây thuốc phiện) đã giảm khoảng 95% – từ 233.000 hecta vào cuối năm 2022 xuống còn 10.800 hecta vào năm 2023.
Sản lượng thuốc phiện theo đó cũng giảm ở mức tương tự trong cùng giai đoạn – từ 6.200 tấn xuống còn 333 tấn.
Ước tính sản lượng anh túc thu hoạch năm nay tương đương 24-38 tấn heroin có thể xuất khẩu, giảm mạnh so với mức 350-580 tấn vào năm ngoái.
UNODC cảnh báo về “những hậu quả nhân đạo tiềm tàng đối với nhiều cộng đồng nông thôn dễ bị tổn thương” do sự suy giảm đột ngột của ngành trồng cây anh túc ở Afghanistan, khi nông dân phải chuyển sang trồng các loại cây trồng thay thế sinh lợi thấp hơn.
Theo UNODC, thu nhập của nông dân trồng anh túc, ước tính khoảng 1,36 tỉ USD vào năm 2022, đã giảm 92% xuống còn 110 triệu USD trong năm nay. Tổn thất này có thể sẽ gây ra ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Afghanistan.
Năm ngoái, cây anh túc chiếm gần 1/3 tổng giá trị sản lượng nông nghiệp ở Afghanistan, nước trồng anh túc lớn nhất thế giới.
Bộ phận phòng chống ma túy thuộc Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết cơ quan này đồng ý “ở một mức độ nhất định” với ước tính trong báo cáo UNODC về diện tích trồng cây anh túc ở nước này.
Song họ đã bác bỏ các nội dung khác của báo cáo, chẳng hạn nội dung liên quan đến việc sản xuất thuốc phiện và dữ liệu kinh tế xã hội, bởi vì chúng không dựa trên các cuộc khảo sát thực địa, thay vào đó dựa vào hình ảnh vệ tinh và dữ liệu của những năm trước.