Ngày 11.4, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn khuyến nông; theo thống kê đến năm 2018, cả nước mới có 495.000 ha nông nghiệp hữu cơ (gấp 4,1 lần so với năm 2016). Đây là con số cực kỳ khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của toàn thế giới (số liệu 2021) và so với 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với chuyên đề “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, canh tác nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đã được nông dân áp dụng từ hàng nghìn năm nay. Trong những năm qua, một số mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp cũng đem lại hiệu quả cao như mô hình “Xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía bắc” với quy mô 570ha; mô hình “Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai” quy mô 20ha; mô hình “Ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ” quy mô 125ha…
Riêng tại Lâm Đồng, hiện có trên 1.500 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ (trong đó diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế là 1.308ha, chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam là 270ha. Đến hết năm 2023, tỉnh Lâm Đồng cũng hỗ trợ xây dựng được 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đem lại lợi nhuận cao hơn cho người dân so với thông thường. Trong đó có 4 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, dược liệu; 2 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê hữu cơ; 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nấm; 3 chuỗi sản xuất và thu mua hạt mắc ca, lúa gạo.
GS-TS Đào Thanh Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đánh giá, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, hiện đại hóa nông thôn. Còn bà Vũ Thị Hải, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Cụ thể, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi có thể thực hiện theo liên kết ngang (nông dân – nông dân, hợp tác xã – hợp tác xã, doanh nghiệp – doanh nghiệp) hoặc liên kết dọc (nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp). Qua đó giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững đối với cả ngành chăn nuôi và trồng trọt.