Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, khoa Phẫu thuật chấn thương chung tại Bệnh viện Việt Đức cho hay bệnh nhân vào viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt, thương tích từ đầu đến chân.
Cụ thể, chị T.T.C, 37 tuổi, quê Bắc Giang sử dụng chiếc điện thoại đang sạc thì bỗng nhiên phát nổ. Rất nhiều vết thương khiến vùng hàm và mặt bệnh nhân biến dạng, vỡ nhãn cầu. Một mảnh nhựa kích thước 1cm đâm ngang khí quản cổ, chưa kể nhiều vết thương phần mềm ở ngực, bụng, tay, hai chân…
Đặc biệt, bàn tay phải (tay cầm điện thoại) của bệnh nhân tổn thương nặng nề, 5 ngón tay bị dập nát toàn bộ và lóc da đến sát xương.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã cùng phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình chung khâu khí quản và các vết thương vùng mặt, gắp từng dị vật tại các vết thương lớn, làm sạch các vết thương còn lại cho bệnh nhân. Với tổn thương ở mắt bệnh nhân, Bệnh viện Việt Đức đã mời ê-kíp bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Trung ương trực tiếp sang phẫu thuật, múc nhãn cầu phải bị vỡ.
Sau cuộc hội chẩn giữa phẫu thuật viên tạo hình vi phẫu và chấn thương chỉnh hình với các chuyên gia, nhận định bệnh nhân buộc phải tháo mỏm cụt toàn bộ ngón tay bên bàn tay phải do bị dập nát hoàn toàn.
Ba ngày sau vụ tai nạn, bác sĩ Tài cho biết đến sáng 9/8, tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định. Tuy nhiên, chức năng chi thể của bệnh nhân bị hạn chế, đặc biệt khả năng lao động của bàn tay phải gần như không còn.
Theo Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm tại đây tiếp nhận khoảng 2-3 bệnh nhân chấn thương vì thói quen dùng điện thoại khi đang sạc, tuy nhiên đây là ca bệnh nặng nhất, gây ảnh hưởng chức năng nhiều cơ quan nhất. Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên dùng điện thoại khi đang cắm sạc cố định hoặc sạc dự phòng.
Lê Trang