Thay vì giá ưu đãi 20 năm cho điện sinh khối, điện rác, Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ đàm phán giá mua với các dự án trên cơ sở khung giá do bộ ban hành.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về đề xuất xây dựng khung giá phát điện mới cho dự án điện sinh khối, phát điện dùng chất thải rắn (điện rác).
Hiện dự án điện chất thải rắn, sinh khối đang áp giá ưu đãi trong 20 năm theo các quyết định của Thủ tướng năm 2014 và 2020. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị tới đây các dự án này phải đàm phán giá với EVN, trên cơ sở khung giá do bộ ban hành. Cơ chế này nếu được áp dụng sẽ tương tự chính sách với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (lỡ hẹn giá FIT ưu đãi 20 năm).
Giải thích việc không tiếp tục cơ chế giá ưu đãi cho điện sinh khối, chất thải rắn, Bộ Công Thương nói do hiện có thêm nhiều loại công nghệ mới được phát triển khác các công nghệ được áp chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Chẳng hạn, sau gần 4 năm áp dụng cơ chế hỗ trợ phát triển điện sinh khối 7,03-8,47 cent một kWh (theo Quyết định 08/2020) đã nảy sinh khó khăn khi nhiều nhà máy mía đường muốn phát điện thêm từ các phụ phẩm nông nghiệp khác, ngoài mía. Một số dự án muốn chuyển nhiên liệu đốt hoặc trộn than với sinh khối… gây khó khăn trong xác định giá điện do không thuộc diện được áp dụng cơ chế ưu đãi.
Tương tự, giá điện ưu đãi cho dự án chất thải rắn 7,28-10,05 cent một kWh, áp dụng cho các nhà máy sử dụng công nghệ là đốt trực tiếp và đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp chất thải. Bởi, năm 2014 – thời điểm đưa ra chính sách giá ưu đãi (Quyết định 31/2014) – mới có hai loại công nghệ này phát triển.
Tuy nhiên, công nghệ phát điện sinh khối, dùng chất thải rắn đã phát triển mạnh thời gian qua. Thị trường xuất hiện nhiều công nghệ mới, như phát điện thu hồi từ khí biogas, nước thải, bùn thải; công nghệ khí hóa chất thải rắn phát điện và các công nghệ tiên tiến khác. Các loại công nghệ này không thuộc đối tượng được áp dụng chính sách giá ưu đãi, nên các chủ đầu tư và cơ quan quản lý gặp khó trong xem xét, tính toán giá bán điện.
Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép xây dựng, ban hành khung giá phát điện để áp dụng từ nay về sau cho các loại hình điện sinh khối, điện dùng chất thải rắn. Cơ chế này sau khi ban hành sẽ thay thế các chính sách đang áp dụng. EVN và chủ đầu tư các dự án sẽ thỏa thuận giá, hợp đồng mua bán điện trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Góp ý kiến, các bộ, ngành phần lớn đều ủng hộ, do đây là các nguồn năng lượng mới được khuyến khích đầu tư. Nhưng Bộ Tư pháp lưu ý chính sách mới ban hành cần đảm bảo đầu tư kinh doanh cho các dự án.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất cho phép các chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện hoặc chọn theo tiêu chí giá chào thấp nhất trong khung giá của Bộ Công Thương.
Trước các ý kiến này, Bộ Công Thương cho hay ngày càng nhiều nhà máy điện sinh khối, chất thải rắn có công nghệ khác với công nghệ nêu tại các quyết định của Thủ tướng trước đây, nên cần đưa ra chính sách mới thay thế.
“Giá điện của các nhà máy này cần được xác định qua đàm phán giữa bên mua – bán điện, theo các thông số đầu vào của nhà máy, tương tự các nhà máy điện khác trong hệ thống. Giá đàm phán này trong khung giá Bộ Công Thương ban hành”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Ngoài ra, hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã bổ sung trường hợp giá điện được xác định theo kết quả đấu thầu chọn nhà đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không vượt khung giá phát điện được duyệt.
Bộ này cũng khẳng định dự án đã ký hợp đồng mua bán điện trước đây sẽ được đảm bảo đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật theo Luật Đầu tư 2020.
Đến tháng 6, Việt Nam có 23 dự án điện sinh khối, điện chất thải rắn với tổng công suất hơn 523 MW. Giá mua điện ưu đãi các dự án này kéo dài trong 20 năm. Hiện, giá mua điện từ các dự án điện sinh khối là 7,03 – 8,47 cent một kWh, tùy dự án đồng phát nhiệt hoặc không; điện chất thải rắn 7,28-10,05 cent một kWh.