Chia sẻ tại hội thảo tham vấn kỹ thuật Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu do Bộ Công thương tổ chức ngày 4.5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã xin lỗi các chuyên gia vì trong dự thảo ban hành lần thứ nhất đã đưa ra một số khái niệm không phù hợp.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự thảo lần thứ nhất có một số khái niệm không phù hợp giữa tên gọi và chính sách, cơ chế bên trong, đây chính là điểm mâu thuẫn và ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh.
“Đã nói điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì không có hoạt động mua bán và đã không có hoạt động mua bán thì không có đề cập chuyện giá rổ ở đây, còn kỹ thuật xây dựng văn bản thế nào để giải quyết những vấn đề thực tiễn, Bộ Công thương tiếp tục trưng cầu ý kiến chuyên gia pháp luật, chuyên gia năng lượng để hoàn thiện dự thảo”, ông Diên nói.
Ông Diên khẳng định, việc xây dựng và ban hành nghị định này là cần thiết để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng nhanh, đáp ứng phần thiếu hụt do các quy hoạch điện trước đây và quy hoạch hiện nay khó có khả năng đáp ứng kịp.
Chính sách này hướng đến khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà phục vụ nhu cầu sử dụng tại chỗ, giảm mua điện và giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nguồn điện; thông qua cơ chế khuyến khích nguồn điện này để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Trong dự thảo nghị định, Bộ Công thương đề xuất 3 cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu: không phụ thuộc vào Quy hoạch điện VIII, không cần tuân thủ quy định về quy hoạch đất đai năng lượng, không cần giấy phép hoạt động điện lực, đơn giản các thủ tục triển khai… đây là những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn tới phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt là dẫn tới mất cân đối cơ cấu nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Ngoài ra, cơ chế cho phép mua bán nguồn điện này là cổ súy trục lợi chính sách khi các chủ đầu tư nguồn điện này không phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, do được hưởng những cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Nếu cho phép mua bán điện mặt trời tự sản tự tiêu sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề về an toàn, xử lý môi trường và đặc biệt là xung đột lợi ích giữa tổ chức, cá nhân đầu tư vào nguồn điện này với nhà đầu tư nguồn điện nền (thủy điện, nhiệt điện…)
Tiếp thu góp ý từ các chuyên gia tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nghị định thực hiện mục tiêu tăng công suất nguồn ở thời điểm nhu cầu sử dụng tăng cao trong khả năng đáp ứng thấp nhưng vẫn phải đảm bảo 3 yêu cầu: đảm bảo tính phổ quát, phù hợp và công bằng.
Dự thảo nghị định Bộ Công thương trình Chính phủ thống nhất quan điểm, trong giai đoạn hiện nay về mặt an toàn kỹ thuật, hạ tầng lưới điện chưa cho phép đấu nối ồ ạt các công trình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mà vẫn phải có giới hạn ở tổng công suất 2.600 MW đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII.
“Dù kể cả nối lưới hay không nối lưới thì sẽ không có hoạt động mua bán nguồn điện này”, ông Diên nói và khẳng định, trong giai đoạn đầu tiên thực hiện nghị định này, ít nhất là 5 năm tới, dứt khoát không có hoạt động mua bán điện mặt trời áp mái đối với gia đình, công sở, doanh nghiệp lẻ, riêng đối với khu, cụm công nghiệp do một nhà đầu tư về hạ tầng thì qua ý kiến các chuyên gia, ban soạn thảo ghi nhận để trình Chính phủ tiếp tục thảo luận, xem xét.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-truong-cong-thuong-xin-loi-vi-mau-thuan-trong-du-thao-dien-mat-troi-mai-nha-185240504203421031.htm