Thông tin đưa ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ 4 – năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” do UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, là biểu tượng sinh động về sự đoàn kết các dân tộc trong những năm qua và hiện nay tại Bình Định.
Điện, đường, trường học, y tế, nhà văn hóa được đầu tư
Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đến nay có 39 DTTS sinh sống trên địa bản tỉnh, chiếm khoảng 3% dân số cả tỉnh (chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (so với số hộ đồng bào DTTS) cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 người, chiếm 40,21% (giảm 23,79% và 2.291 hộ so với cuối năm 2018).
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS lần 3 năm 2019, toàn tỉnh tập trung chủ yếu vào việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững…
Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4,76%/năm, vượt kế hoạch từ 1,5%-2%/năm và đã có 2 huyện thoát nghèo là Vân Canh và Vĩnh Thạnh.
Diện mạo vùng đồng bào DTTS đã có những thay đổi căn bản, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Định đã huy động 1.172 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, đầu tư xây dựng 604 công trình vùng DTTS. Hơn 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi, 100% số hộ DTTS dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm còn 3-4%
Biểu dương sự cố gắng vươn lên cũng những thành quả mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các DTTS trong tỉnh Bình Định đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng chỉ rõ một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
“Mặc dù đời sống các tầng lớp nhân dân, đồng bào DTTS đã nâng cao; nhưng mức sống, mức thụ hưởng các dịch vụ xã hội vẫn còn thấp so với các vùng, khu vực đồng bằng, đô thị trên địa bàn tỉnh. Kinh tế ở một số nơi còn chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và xuất hiện nhiều hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Công tác đào tạo nghề ở một số trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xã hội…”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thẳng thắn.
Do đó, mục tiêu 5 năm tới, tỉnh Bình Định cần tập trung các nhiệm vụ: Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định để khuyến khích tạo ra nhiều việc làm cho người dân.
Các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải được tổ chức thực hiện tốt hơn; tăng nhanh đối tượng tham bảo hiểm xã hội, nhất là đối tượng tự nguyện để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội…
Cùng với việc phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung chú trọng đến việc cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, toàn tỉnh hướng đến mục tiêu trong năm 2029, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm là 3-4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực 3) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực 3 so với hiện nay. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 – 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Ngoài ra, tỉnh còn đặt ra chỉ tiêu nâng việc phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp nước sạch đạt chuẩn… lên tỷ lệ 100% trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Định cần thực hiện hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người DTTS… góp phần xây dựng vùng đồng bào DTTS của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Bình Định cũng cần đẩy mạnh huy động ngân sách Nhà nước, bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách khác.
An Nhiên – N.Hiền
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dien-mao-vung-dan-toc-thieu-so-o-binh-dinh-co-nhieu-khoi-sac-2327386.html